Vào những ngày này, dòng người đổ về làng Sen quê Bác đông vui và tấp nập hơn. Dịp kỷ niệm lần thứ 100 ngày Bác Hồ tạm biệt Tổ quốc, ra đi tìm đường cứu nước trùng với việc hoàn thành đợt tôn tạo phần mộ bà Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, tức bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu của Người…

nha-bac.jpg

Ngôi nhà đơn sở ở làng Sen, nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời

Người chủ quán cơm ở thị trấn Tân Kỳ (Nghệ An) khi biết chúng tôi trên đường về Nam Đàn quê Bác, sốt sắng mách: "Các chú đi xuống Đô Lương, rồi qua ngả Truông Bồn. Đoạn qua Thanh Chương đường đang sửa, đi hơi khó. Truông Bồn là nơi kỷ niệm các cô gái Thanh niên xung phong Nghệ An đó".

Chúng tôi cảm ơn ông mà lòng thấy vui thêm. Trên đoạn đường Hồ Chí Minh từ Xuân Mai về quê Bác, trong lòng tôi cứ ngân mãi câu ca:

Đường vô xứ Nghệ quanh quanh

Non xanh nước biếc như tranh họa đồ.

Mấy năm gần đây, quốc lộ 1A từ Hà Nội vào Vinh được nâng cấp, mở rộng, dường như cảnh “non xanh nước biếc” không còn. Bởi vậy, về quê Bác lần này, chúng tôi chọn đi theo đường Hồ Chí Minh. Mới đoạn từ Xuân Mai thôi, đã thấy quả là “non xanh nước biếc” rồi. Đường Hồ Chí Minh từ đầu nguồn Pắc Bó (Cao Bằng), qua một loạt các tỉnh miền núi, trung du, đồng bằng, phong cảnh đẹp như tranh. Từ Bắc vào, từ Nam ra, đi theo đường Hồ Chí Minh về quê Bác, càng thấy Tổ quốc ta thật tươi đẹp.

Nắng vàng trải trên các cánh đồng lúa Đô Lương - Nam Đàn. Nắng vàng, lúa vàng và lòng người thì xốn xang. Hẹn hò mãi, lần này về quê Bác, chúng tôi mới cùng đi với Nguyễn Sinh Nam, cháu gọi Bác Hồ bằng cụ. Sinh Nam dẫn chúng tôi vào thắp hương nhà cụ Nguyễn Sinh Nhậm và bà Hà Thị Hy ở Làng Sen. Ngôi nhà gần với nhà cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ.

Sinh Nam kể: Hai cụ sinh được hai người con trai là Nguyễn Sinh Trợ và Nguyễn Sinh Sắc. Ông Nguyễn Sinh Trợ sinh được 2 con trai là Nguyễn Sinh Lý và Nguyễn Sinh Mợi. Nguyễn Sinh Lý có được 2 người con trai là Nguyễn Sinh Diên (ông nội Sinh Nam) và Nguyễn Sinh Thản. Nguyễn Sinh Thản còn có tên gọi là Lý Nam Thanh, là một trong mấy chiến sĩ Việt Nam tham gia Hồng quân Liên Xô và hy sinh trong trận chiến đấu bảo vệ Moscow năm 1941.

Trên bàn thờ, gần với ảnh cụ Nguyễn Sinh Sắc là ảnh Bác Hồ. Chúng tôi thành kính thắp hương tưởng nhớ đến các vị tiền nhân đã sinh ra và rèn giũa một danh nhân lớn, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam: Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh.

Thắp hương thành kính tưởng niệm thân mẫu Bác Hồ

Những cây râm bụt mọc tươi tốt bên ngõ nhỏ dẫn vào ngôi nhà của ông bà nội Bác Hồ. Sinh Nam chỉ vào vết sẹo trên cằm và thềm gạch nối giữa nhà trên và nhà dưới, kể: "Hồi bé tôi vấp ngã ở chỗ này, thành sẹo". Biết nhau đã lâu, lần này chúng tôi mới có dịp hiểu tường tận về gia đình Sinh Nam và càng hiểu thêm sự cố gắng vươn lên của những người họ hàng gần gũi với Bác. Ông thân sinh ra Nguyễn Sinh Nam có tên là Nguyễn Sinh Thọ. Cả mấy anh em ông Thọ đều tham gia kháng chiến chống Pháp. Hòa bình lập lại, cụ Sinh Thọ đổi tên là Tự Cường, có ý nhắc nhở mấy người con phải tự mình vươn lên trong cuộc sống.

Vâng lời bố dạy, lại được người mẹ tảo tần biết lo toan và tổ chức cuộc sống, mấy anh em Sinh Nam không nề hà bất cứ công việc gì, từ nắm than đến đốt lò nướng bánh, ngày nay đều đã trưởng thành. Ngày trước, gia đình cụ Nhậm có một xưởng ép dầu nhỏ, tạo nên nguồn thu chính của gia đình. Có lẽ chịu ảnh hưởng của cụ cố, mà cô em gái út của Sinh Nam học xong Đại học, đứng ra mở xưởng sản xuất vật liệu xây dựng… trở thành một doanh nhân thành đạt ở TP HCM …

Vừa đi vừa nghe kể chuyện, chúng tôi theo chân dòng người từ bốn phương vào thăm nhà Bác và lặng nhìn hồi lâu ngôi nhà nhỏ thấp bé, nơi Bác chào đời và chập chững những bước đi đầu tiên. Ngày ấy, làng Kim Liên còn thưa thớt lắm. Bây giờ làng xóm đông đúc, đường sá phong quang. Nhưng dân làng vẫn giữ nguyên khoảng sân vận động và cây đa đầu làng, nơi Bác Hồ trò chuyện với dân làng trong một lần Người về thăm quê. Hàng cây xà cừ dân Kim Liên theo lời Bác trồng hai bên đường, giờ đã trở thành cổ thụ, gốc to một người ôm không xuể.

Vào Thư viện Làng Sen ở đối diện với ngõ vào nhà ông bà nội Bác Hồ, chúng tôi được cô thủ thư cho biết: Thư viện được mấy anh em nhà Sinh Nam góp công góp sức xây dựng tặng dân làng. Hằng ngày người làng, đặc biệt là các cháu học sinh đến đọc sách và mượn sách khá đông. Thư viện cũng có đến vài nghìn cuốn sách các loại.

Vào đầu hè năm nay, thời tiết Nghệ An mát mẻ, Từ phần mộ của Bà nhìn ra tứ phía, thấy chỗ nào cũng một màu vàng ấm no, màu xanh tươi mát và màu ngói đỏ tươi. Một ông cụ nói với tôi: "Hôm qua (3/6) làm lễ báo cáo với Bà hoàn thành việc tôn tạo, tu bổ phần mộ. Xong lễ, trời đổ trận mưa lớn. Dân xứ Nghệ chúng tôi bảo nhau: Bà ban phúc cho dân. Nguyễn Thị Phúc, cô gái xứ Quảng cùng chồng con đến viếng Bà, nói: Mong mãi mới được ra thăm quê Bác. Dịp sau, em sẽ ra Hà Nội, vào Lăng viếng Bác".

Không thể thống kê hết trong mấy ngày qua đã có bao nhiêu lượt người về thăm làng Sen. Từ trên nhìn xuống, dòng người dường như là vô tận./.