Sự thú tội, thú nhận theo tiếng Anh là confessions. Dạo một vòng qua các fanpage Confessions (trang thú tội) trên Facebook, xuất hiện nhiều nhất chính là fangage của các trường trung học như: Ams Confessions, Kim Liên Confessions, Phan Đình Phùng Confessions, Chu Văn An Confessions, Chuyên Ngữ Confessions… Các trang này vừa được lập ra, số lượng thành viên tham gia tăng lên từng ngày.
Ví dụ, Chu Văn An Confessions được lập từ 20/2/2013, tới ngày 14/3/2013 đã có hơn 1.000 like (thích) và có 641 người chia sẻ. Hãy đọc vài chia sẻ của những thành viên trên trang này: “Hôm đó tự dưng cậu hỏi tôi có là “gay” không. Tôi trả lời có. Tôi thừa nhận giới tính thật của mình đấy. Không lẽ là bạn thân bao lâu nay mà vì tôi là “gay” cậu tẩy chay tôi? Cậu kỳ thị tôi?”…
“Tớ thích một bé khối 7. Không biết em ấy học lớp nào?... Em ấy không có má lúm đồng tiền, không có răng khểnh nhưng em ấy có đôi mắt biết nói”.
Còn trên trang Facebook Việt Nam Confessions, một thành viên thú tội: “Mỗi khi tôi thương một người, tôi sẽ tương tư người đó 24/24… Thế nhưng, nếu tôi gặp một người đàn ông khác tốt hơn là tôi chán người kia rất nhanh. Tôi bị gì đây? Tôi hoang mang lắm”.
Bạn Nguyễn Hồng Ánh (học sinh trường THPT Kim Liên, Hà Nội) cho biết: “Có những chuyện mình không thể nói được với bạn bè, cũng không thể tìm được sự chia sẻ từ bố mẹ, thầy cô. Để trong lòng thì thấy nặng nề, khi nói ra được thấy lòng cũng nhẹ nhõm. Đây cũng là cách để giải tỏa áp lực. Tuy nhiên, tôi thấy đã có những bạn lợi dụng hình thức thú tội để nói xấu nhau”.
Trào lưu confessions đã có thời gian gây sốt trên các trang trực tuyến cộng đồng ở Mỹ và Singapore, thông qua các trang mạng xã hội. Qua sự chia sẻ giữa các du học sinh, trào lưu này lan tới Việt Nam. Điểm hấp dẫn của thú tội trên mạng là người thú tội không cần xưng tên tuổi, địa chỉ, điện thoại, email, mà chỉ cần vào đường link mà admin của các diễn đàn confessions công bố, viết lời thú tội và bấm nút gửi.
Lý giải tại sao thú tội online hấp dẫn giới trẻ, TS. Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học Việt Nam) cho rằng, trào lưu này xuất phát từ thú chơi công nghệ cao của giới trẻ. Giới trẻ thường muốn trải nghiệm tất cả các hình thức mới lạ. Họ tận dụng tiện ích của công nghệ cao để thể hiện sự sành điệu, đồng thời lại xả được stress.
Khi thực hiện thú tội trên mạng, họ không phải đối diện với bất cứ ai, được nói một cách thẳng thắn, sòng phẳng. Đây cũng giống như kiểu viết nhật ký. Khi con người xả được tâm sự sẽ cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Nhưng cái này khác nhật ký ở chỗ, những tâm sự cá nhân đến được với cộng đồng, đặc biệt là nhóm của cá nhân đó – những người sẵn sàng chia sẻ, đánh giá và thực hiện kết giao.
Bản thân hình thức thú tội là một việc làm nghiêm túc nhưng một số bạn trẻ lại thể hiện nó như một thú chơi. Nói là thú tội nhưng không phải thú tội 100% bởi các bạn trẻ sẽ “thêm mắm thêm muối” để câu chuyện của mình ly kỳ hơn, độc đáo hơn.
Theo các chuyên gia xã hội học, những lời thú tội trên mạng làm lệch lạc suy nghĩ và mối quan hệ xã hội là nguy hiểm. Một số bạn đã lạm dụng hình thức thú tội trên mạng xã hội để tự do biểu đạt những xúc cảm, chính kiến; thể hiện bình luận, đánh giá của mình trước sự việc của người này, người kia, của tổ chức này, tổ chức khác, thậm chí những công việc quốc gia đại sự. Các bạn cứ hồn nhiên nghĩ là không ảnh hưởng đến ai nhưng thực chất lại gây tổn hại cho cá nhân, cộng đồng.
TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, gia đình và nhà trường cần giáo dục để các bạn trẻ có ý thức khi sử dụng các trang mạng xã hội và hình thức thú tội trên mạng để nó trở thành công cụ hữu hiệu, tận dụng được tối đa công nghệ. Về lâu dài, các cơ quan chức năng cần có chế tài xử lý những cá nhân sử dụng tiện ích công nghệ xâm hại đến người khác./.