Tối 21/6, tại Hà Nội diễn ra Lễ trao giải Báo chí Quốc gia lần thứ X. Đến dự lễ trao giải có Chủ tịch nước Trần Đại Quang; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; ông Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng các nhà báo lão thành, có uy tín trong xã hội.
Phát biểu tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: Với truyền thống hơn 90 năm đồng hành cùng dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam đã không ngừng lớn mạnh, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Báo chí cách mạng nước ta đã có bước phát triển mạnh mẽ, ngày càng thể hiện vai trò là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị-xã hội và là diễn đàn của nhân dân.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang phát biểu tại lễ trao Giải |
Báo chí đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo và trở thành lực lượng xung kích tin cậy của Đảng và Nhà nước trong việc tuyên truyền, làm sáng tỏ tính đúng đắn, khoa học và cách mạng của Chủ nghĩa Mác-Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, tích cực vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, kịp thời phản ánh sinh động thực tiễn phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, tăng cường an ninh, quốc phòng, đối ngoại, bảo vệ độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Với những kết quả đã đạt được, đội ngũ những người làm báo cách mạng Việt Nam đã thực sự trở thành những chiến sỹ trên mặt trận tư tưởng văn hóa đúng như lời dạy của Bác Hồ kính yêu - Người xây nền móng và là người thầy vĩ đại của báo chí cách mạng Việt Nam.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh: “Trong những năm tới, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chiến tranh, xung đột sắc tộc và tôn giáo tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, hoạt động khủng bố tiếp tục diễn ra ở nhiều nơi với tính chất, mức độ ngày càng nguy hiểm. Trong bối cảnh đó, nhiệm vụ đặt ra cho báo chí cách mạng Việt Nam rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Việc này đòi hỏi người làm báo phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, vươn lên, hiện đại về mô hình tổ chức hoạt động, về cơ sở vật chất kỹ thuật và công nghệ bảo đảm an toàn hệ thống và an ninh thông tin. Không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động….”.
Các tác phẩm dự Giải đáp ứng được các tiêu chí xét chọn, tập trung thể hiện nhiệm vụ chính trị của đất nước trong năm 2015 với nhiều khó khăn, thử thách mới; phản ánh kịp thời, sinh động và đa dạng tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng, nhất là bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động chống phá Nhà nước và chế độ.
Các tác phẩm cũng giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt việc tốt, điển hình tiên tiến trong trong hoạt động kinh tế, trong xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và các mặt đời sống; trong xóa đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; ngăn chặn suy giảm kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai; vấn đề phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường; về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và nhiều vân đề kinh tế-xã hội khi Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, về Cộng đồng ASEAN.
Ông Thuận Hữu – Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X chúc mừng và tuyên dương các nhà báo đoạt giải Báo chí Quốc gia lần này.
Ông Thuận Hữu, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu... |
Qua 10 năm tổ chức Giải Báo chí Quốc gia, đây là năm có số tác phẩm và đơn vị tham gia dự Giải nhiều nhất, với hơn 1.660 tác phẩm của 169 đơn vị và cá nhân. Giải nhận được sự tham gia tích cực của các Hội Nhà báo địa phương (61/63 đơn vị). Số lượng các cơ quan báo chí và cộng tác viên cũng đều tăng (207 cộng tác viên), số lượng tác phẩm ảnh báo chí dù chưa nhiều như mong muốn nhưng cũng đạt mức hơn 100 tác phẩm.
Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ X – năm 2015 đã quyết định trao tặng giải thưởng Báo chí Quốc gia cho 92 tác phẩm báo chí xuất sắc nhất (gồm: 8 Giải A, 25 Giải B, 40 Giải C và 19 Giải Khuyến khích), trong tổng số 142 tác phẩm (thuộc 4 loại hình báo chí: báo in, báo nói, báo hình và báo điện tử) vào vòng chung khảo.
Đài Tiếng nói Việt Nam có 1 tác phẩm đạt giải A, 4 tác phẩm đạt giải B, 4 tác phẩm đạt giải C./.Thủ tướng: Báo chí phải là kênh phản biện cho hoạt động của Chính phủ