Những ngày cuối năm 2018, đầu năm 2019 tại 2 đầu phía Bắc và phía Nam của đất nước lại nóng lên chuyện nhiều lái xe tiếp tục phản đối các trạm thu phí BOT đặt “nhầm chỗ”.
Phía Bắc, khoảng 3 tuần qua, hàng trăm lái xe thay phiên nhau túc trực tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài(nằm trên đường Võ Văn Kiệt đi ra sân bay Nội Bài, Hà Nội). Phía Nam lái xe dừng xe tại trạm để phản đối trạm BOT An Sương – An Lạc (quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh).
Làm đường ở Vĩnh Phúc, dựng trạm thu ở Hà Nội
Từ ngày 18/12/2018, nhiều tài xế ô tô đã dán biểu ngữ trên xe và tập trung tại trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài (nằm trên đường Võ Văn Kiệt, Hà Nội) để phản đối việc trạm này đặt “nhầm chỗ” và yêu cầu chuyển trạm về tuyến tránh TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc).
Các tài xế cho rằng, trạm này đặt trên địa bàn Hà Nội mà thu phí hoàn vốn cho tuyến đường ở tỉnh Vĩnh Phúc là không hợp lý. Trước tình trạng căng thẳng nói trên, vào nhiều thời điểm, Công ty cổ phần BOT Viettracimex 8 (nhà đầu tư) đã phải xả trạm.
Hiện tại nhiều lái xe vẫn đang túc trực tại đây để “xi nhan” cho các xe đi qua trạm không phải mua vé. Thậm chí, họ còn dựng lều tạm gần trạm để ăn nghỉ và “điều tiết giao thông” qua trạm.
Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài "thất thủ" nhiều ngày qua. |
Được biết, trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Vĩnh Yên từ năm 2009. Tuy nhiên, trạm này lại đặt trên đường Võ Văn Kiệt của Hà Nội, vì thế rất nhiều xe không đi tuyến tránh TP Vĩnh Yên vẫn phải trả phí.
Theo hợp đồng BOT được ký giữa đại diện Bộ GTVT là Tổng cục Đường bộ Việt Nam và nhà đầu tư là Công ty cổ phần BOT Viettracimex 8, giá trị hợp đồng khoảng 530 tỷ đồng. Dự án này được thu phí trong vòng 16 năm 10 tháng, đến nay nhà đầu tư đã thu được hơn 8 năm, tức là vẫn còn hơn 8 năm nữa.
Đây không phải là lần đầu người dân phản đối việc đặt trạm bất hợp lý khi “làm đường một nơi, thu phí một nẻo”. UBND TP Hà Nội cũng đã ít nhất 2 lần có văn bản kiến nghị Bộ GTVT xóa bỏ trạm thu phí này và di dời nó về đúng vị trí. Tuy nhiên, đến nay mọi sự vẫn không thay đổi.
Hết hạn thu phí, “đẻ” ra 4 cây cầu để thu tiếp
Đó là trường hợp của trạm thu phí BOT An Sương - An Lạc(quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh). Theo quy định, thời hạn thu phí BOT An Sương – An Lạc phải chấm rứt vào tháng 1/2017, nhưng họ vẫn tiếp tục thu với lý do là đầu tư thêm 4 cây cầu vượt trong thành phố. Lái xe cho rằng họ không sử dụng các cây cầu này thì tại sao phải trả phí. Đã nhiều lần lái xe phản đối, trạm BOT này đã phải xả trạm.
Nhiều tài xế cho rằng họ không sử dụng cầu vượt nên không phải đóng phí. |
Tuy nhiên, vào chiều 7/1/201 cho đến hôm nay (9/1), nhiều tài xế lại tập trung tại BOT An Sương - An Lạc để phản đối trạm thu phí này. Hầu hết các tài xế đều tỏ vẻ bức xúc khi cho rằng BOT này đã hết hạn thu phí nhưng vẫn tiếp tục thu.
Nhiều lái xe các tỉnh miền tây như Bến Tre, Long An, Vĩnh Long...cho biết, họ chỉ đi từ quốc lộ 1 lên đầu thành phố, không đi qua cầu vượt trong thành phố do BOT An Sương – An Lạc đầu tư nên không có trách nhiệm đóng phí.
“BOT An Sương - An Lạc tiếp tục tồn tại là để thu phí các hạng mục cầu vượt, nhưng chúng tôi không có nhu cầu sử dụng các cây cầu này thì tại sao phải đóng phí?”, đây là câu hỏi của nhiều tài xế đặt câu hỏi với BOT An Sương - An Lạc.
Các chuyên gia giao thông cho rằng, thời gian qua, các BOT như Bắc Thăng Long - Nội Bài; BOT cầu Tân Đệ, Mỹ Lộc cho đến BOT An Sương – An Lạc, BOT Cai Lậy trước đây liên tiếp bị phản đối là có nguyên nhân từ xung đột lợi ích giữa chủ đầu tư và tài xế lái xe.
Cần Thanh tra toàn diện BOT An Sương - An Lạc để công khai, minh bạch rõ ràng cho người dân rõ. |
Tại BOT An Sương – An Lạc, mấu chốt của vấn đề xung đột là đầu tư thêm 4 cây cầu, nhưng chưa được công khai, minh bạch rõ ràng để những lái xe và người dân rõ. Còn Bắc Thăng Long - Nội Bài là làm đường một nơi, thu phí một nẻo.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, chuyên gia giao thông, vấn đề của BOT là đầu tư ở đâu thì đặt trạm thu phí ở đó.
“Trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài được lập để thu phí hoàn vốn cho dự án đường tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) mà lại đặt trạm trên đường Võ Văn Kiệt của Hà Nội để thu phí. Xe đi ở dưới này (TP Hà Nội -PV)và các tuyến khác không đi tuyến tránh TP Vĩnh Yên thì sao phải trả phí?”, TS Nguyễn Xuân Thủy đặt câu hỏi.
Còn trạm BOT An Sương – An Lạc đầu tư thêm 4 cây cầu vượt trong giai đoạn 2 thì nên dời trạm thu phí đến các hạng mục đầu tư mới này. Tại sao xe của người dân các tỉnh miền Tây lên TP Hồ Chí Minh có đi qua những cây cầu vượt trong thành phố đâu, sao bắt họ đóng phí được. “Vô lý là ở chỗ đó”.
“Bốn cây cầu đấy được đầu tư dựa trên cơ sở nào, mức vốn đầu tư có được kiểm toán độc lập và đấu thầu công khai không. Cần thanh tra để xem có vấn đề gì chưa đúng không và công bố rộng rãi kết quả thanh tra cho người dân được rõ. Một khi được công khai minh bạch rõ ràng và không có “lợi ích nhóm” ở đây thì xung đột đấy mới chấm dứt”.
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy, ông cũng như người dân sẵn sàng trả phí cho BOT mình sử dụng, nhưng với điều kiện phải được công khai minh bạch, được đầu tư đúng với quy định của pháp luật, làm đường ở đâu dứt điểm phải thu phí ở đó.
Điều hiển nhiên là làm đường ở đâu phải thu phí ở đó và có sự vô lý đến lạ lùng, lâu nay nhiều trạm BOT vẫn đang ở tình trạng làm đường một nơi, thu phí một nẻo, tất cả chúng ta đều biết. Tuy nhiên, tại sao vô lý như vậy mà vẫn không thể thay đổi. Đó là điểm mấu chốt.
Bộ GTVT, các chủ đầu tư BOT không chỉ cần phải đối thoại trực tiếp với người dân để minh bạch các thông tin, mà Bộ GTVT cũng như các cơ quan chức năng cần nghiên cứu đề xuất với Chính phủ các giải pháp phù hợp để vừa bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật, vừa không đẩy khó cho người dân, nhưng vẫn bảo đảm quyền lợi của nhà đầu tư./.
“Lộ sáng” vụ ăn cắp phí BOT Trung Lương và những dự án nhập nhèm...
Cần đối thoại trực tiếp vấn đề BOT Bắc Thăng Long-Nội Bài “nhầm chỗ”
Trạm thu phí BOT An Sương – An Lạc xả trạm vì tài xế tụ tập