Những ngày này, quanh khu vực Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (hay còn gọi là bãi rác Đa Phước) ở huyện Bình Chánh, vẫn bốc mùi hôi thối. Khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của Đa Phước được xác định là thủ phạm gây ra mùi hôi này.
Trong khi TP HCM chưa tìm ra giải pháp khắc phục sự cố, thì Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam lại gửi công văn đề nghị ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày, khiến việc xử lý rác thải tại thành phố càng thêm khó khăn.
Khu vực chôn lấp rác và hồ xử lý nước rỉ rác của bãi rác Đa Phước được xác định là nguyên nhân gây ra mùi hôi thối ở khu Nam Sài Gòn, bao gồm Quận 7, huyện Bình Chánh và huyện Nhà Bè. Nước ở bãi rác Đa Phước chảy ra kênh, rạch đen ngòm cách đó cả chục cây số. Người dân sống gần khu vực bãi rác này cho biết, mùi hôi xuất hiện ở nhiều thời điểm khác nhau, tùy theo hướng gió, nhưng nặng nhất thường vào lúc sáng sớm và chiều tối.
Bà Trần Thị Bích Phượng ở ấp 2, xã Đa Phước, huyện Bình Chánh nói: “Khoảng 6,7 giờ là hôi chịu không nổi. Vợ chồng, con cái tôi là phải chui vô máy lạnh hết, đóng cửa phòng lại. Nhiều khi đang bữa ăn mà nghe cái mùi đó là thôi, không có nuốt nổi luôn”.
Trước áp lực của dư luận và chờ hoàn thành nhà máy xử lý nước thải mở rộng công suất 2.000 m3, Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam, chủ đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước, đã gửi công văn tới Thường trực Thành ủy, UBND TP HCM đề nghị, kể từ ngày 10/10 sắp tới, công ty này tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày.
Theo phía doanh nghiệp, từ cuối tháng 11/2014, mỗi ngày, công ty đã tiếp nhận thêm 2.000 tấn rác từ Công ty Môi trường Đô thị Thành phố Hồ Chí Minh theo yêu cầu của chính quyền thành phố.
Trong khi đó, ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng và là người phát ngôn Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh khẳng định, việc Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam muốn tạm ngưng tiếp nhận 2.000 tấn rác (trong 5.400 tấn mỗi ngày) chỉ là đề nghị từ phía doanh nghiệp. Trong khi chưa có những thảo luận, thống nhất giữa hai bên trong hợp đồng, hay quyết định từ cấp thẩm quyền của TP HCM phía doanh nghiệp vẫn phải tiếp nhận toàn bộ lượng rác của thành phố như đã cam kết.
Ông Võ Văn Hoan, Chánh Văn phòng UBND TP HCM nói: “Thay vì anh để bãi rác lớn, thì làm từng bãi nhỏ. Thay vì để tất cả làm cho đều chúng ta phải xử lý ngay rác mang về, tức là quy trình kỹ thuật chúng ta phải tính toán. Quan điểm của thành phố là đồng hành cùng doanh nghiệp, bắt tay cùng doanh nghiệp và sẽ làm thật tốt những gì còn chưa làm được”.
Theo các nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường, việc Công ty Xử lý Chất thải Việt Nam yêu cầu không tiếp nhận 2.000 tấn rác mỗi ngày là làm khó cho chính quyền TP HCM. Công tác xử lý rác của thành phố vốn đã có “lỗ hổng” từ nhiều năm nay. Cách đây hơn 10 năm, các nhà khoa học, trong đó có Giáo sư – Tiến sỹ khoa học Lê Huy Bá đã đóng góp ý kiến cho UBND thành phố không nên quy hoạch bãi rác ở khu vực Bình Chánh. Nơi đây là đất phèn tiềm tàng, khả năng axit hóa là rất lớn. Môi trường trũng, thấp, ngập nước khiến độ PH thấp và chua, khả năng phân hủy rác là rất chậm.
Giáo sư Lê Huy Bá nói: Ban đầu thì 8-9 USD/tấn, sau đó nhảy lên 11-12 USD/tấn. Bây giờ là hơn 20 USD/tấn rác, mà vấn đề cơ bản không giải quyết được, vẫn là chôn và lấp. Việc phát sinh 2.000 tấn rác bị từ chối là chuyện bế tắc cho thành phố. Có phải Công ty này ra yêu sách cho thành phố hay không? Hay có một cái gì đó mà chúng ta không hiểu được”.
Đây cũng là dịp để UBND thành phố xem lại công tác quy hoạch và những phương án xử lý rác thải khi có sự cố xảy ra. Các nhà khoa học cho rằng, nếu tiếp tục chôn lấp rác mỗi ngày hơn 5.000 tấn ở bãi rác Đa Phước thì chỉ vài năm nữa, mùi hôi thối có thể bay lên tận các quận trung tâm TP HCM./.