Nhiệm kỳ 2015- 2020, Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X đã có Nghị quyết thực hiện 7 chương trình đột phá. Đó là Chương trình nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình cải cách hành chính; Chương trình nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của kinh tế TP; Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông; Chương trình giảm ngập nước, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; Chương trình giảm ô nhiễm môi trường; Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị.

Qua hơn hai năm thực hiện 7 chương trình đột phá bên cạnh mặt làm được, còn nhiều hạn, chế bất cập, trong đó nổi lên là tính kết nối, liên thông và trách nhiệm công vụ của một bộ phận cán bộ công chức chưa cao; buộc TP phải thay đổi.

Điểm nghẽn

Điển hình của tính kết nối chưa liên thông, đồng bộ nổi rõ nhất là trong chương trình “giảm ngập nước” của thành phố. Mặc dù hàng năm, TP.HCM đã bỏ ra hàng ngàn tỷ đồng để triển khai các giải pháp công trình và phi công trình cho lĩnh vực này. Song chỉ một cơn mưa lớn, kéo dài trong chiều tối ngày 19/5 vừa qua đã khiến cho tình trạng ngập lụt của thành phố trở lên trầm trọng hơn với gần 30 tuyến đường bị ngập sâu, có tuyến ngập đến hơn nửa mét.

vov_ngap_ung_jgdz.jpg
Tình trạng ngập lụt ở TP.HCM trở lên trầm trọng hơn.

Có nhiều nguyên nhân nhưng nổi lên đó là tính kết nối hạ tầng không đồng bộ. Gần 170 tuyến đường ở quận 9 làm mới nhưng không có hệ thống thoát nước. Nhiều kênh rạch, mương cống thoát nước bị lấn chiếm nhưng không được xử lý, kéo dài vì không rõ trách nhiệm thuộc về ai. Trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, mặc dù ngành giao thông vận tải đã có nhiều cố gắng nhưng nhiều công trình trọng điểm mang tính động lực triển khai ì ạch, chậm tiến độ. Trong đó khâu giải phóng mặt bằng là nguyên nhân chủ yếu.

Bởi để giải phóng mặt bằng cho một dự án là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị xã, phường; quận, huyện và các  ngành chức năng từ áp giá đền bù đến bố trí tái định cư… Một điều đáng nói là ở một thành phố được coi là năng động bậc nhất của cả nước; trung tâm của công nghệ thông tin ở tầm khu vực nhưng trong giao dịch hành chính, theo một số lãnh đạo quận, huyện người dân lại thích cầm giấy tờ đến tận nơi để gặp cán bộ giải quyết.

Lý do là việc hướng dẫn, tính kết nối liên thông trong thủ tục giấy tờ điện tử vẫn chưa đồng bộ; nhiều người dân rất lúng túng khi sử dụng; lâu dần thành ngại, không tiếp cận. Chưa kể phần mềm quản lý hành chính ở mỗi địa phương, đơn vị lại khác nhau nên không tương thích; người sử dụng lại quay về thủ công. Điều này không chỉ hao tốn công sức mà còn là là mảnh đất màu mỡ cho nhũng nhiễu, tiêu cực nảy sinh.

Mỗi năm TP.HCM có hơn 700 người tử vong do tai nạn giao thông.

Sự kết nối chưa đồng bộ còn thể hiện trong việc kéo giảm ùn tắc và giảm tai nạn giao thông. TP.HCM đã có nhiều giải pháp, song thực trạng đáng buồn là mỗi năm vẫn có hơn 700 người tử vong do tai nạn giao thông. Ngoài nguyên nhân 90% do ý thức của người tham gia giao thông gây nên thì việc đường sá xuống cấp; nạn lấn chiếm lòng lề đường vẫn diễn ra phổ biến; việc xử phạt chưa đủ tính răn đe…cũng là những vật cản không nhỏ khiến thành phố khó đạt mục tiêu mỗi năm kéo giảm 5% số vụ tai nạn giao thông.

Kết nối, liên thông

07 chương trình đột phá mà nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ 10 chọn đã đi được một nửa chặng đường. Với hơn hai năm còn lại, các cấp, các ngành của TP còn phải nhiều việc phải làm nếu muốn đạt được các chỉ tiêu cho từng chương trình.

Nói như Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, ở một số chương trình phải có “nhạc trưởng”, trong đó đặc biệt là xây dựng kết cấu hạ tầng. Bản thân ngành giao thông vận tải thành phố sẽ khó hoàn thành được việc chống ùn tắc, giảm tai nạn giao thông nếu không có sự xắn tay, vào cuộc của các quận, huyện trong giải phóng mặt bằng để thi công; không giải quyết dứt điểm được nạn lấn chiếm lòng đườn; trả lại cho vỉa hè dần được thông thoáng. Ngành thoát nước sẽ là bất cập nếu không liên kết, đấu nối các công trình tiêu thoát nước với việc phát triển hệ thống cầu, đường của ngành giao thông; phát triển đô thị của ngành xây dựng.

Ngành thoát nước của TP.HCM còn nhiều bất cập.
Việc phát triển đô thị ở TP.HCM càng ngày sẽ càng nở rộ do sức ép dân số, song tính kết nối các đô thị trong việc đi lại và tiêu thoát nước phải được tính toán kỹ trên cơ sở quy hoạch khoa học, chặt chẽ; có sự giám sát của cơ quan quản lý và người dân. Từ đó mới tránh được tình trạng, dân đến ở mà không có chỗ đậu xe; luôn gặp cảnh ngập úng cục bộ. Trong lĩnh vực cải cách hành chính, những nỗ lực xây dựng thành phố thông minh, thành phố phát triển trong thời đại của nền công nghiệp 4.0 của Đảng bộ, chính quyền TP.HCM là có thật và trân quý.

Tuy vậy con số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong một số lĩnh vực còn chậm cho thấy, trách nhiệm công vụ của một bộ phận công chức chưa cao, chưa nói đến là có cán bộ công chức cố tình gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

Rõ ràng TP.HCM đang khẳng định tính vượt trội của một thành phố động lực, mang tính quyết định đối với nền kinh tế đất nước khi mà tổng thu ngân sách trên địa bàn luôn chiếm 30% ngân sách cả nước. Thành phố đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 54 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển thành phố trong giai đoạn mới. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân cả nước đang nhìn vào từng bước đi, bước chuyển mình của TP.HCM.

Thành phố cũng đã chọn cho mình 7 chương trình hành động mang tính đột phá. Hy vọng Đảng bộ, chính quyền và người dân TP sẽ thực hiện thành công các chương trình mang tính lịch sử này để xây dựng TP.HCM ngày càng năng động, sáng tạo, nghĩa tình và phát triển./.