Tại TP HCM, bệnh sốt xuất huyết đang diễn biến phức tạp khi chiếm đến 1/5 tổng số ca sốt xuất huyết của cả nước. Mặc dù ngành Y tế thành phố cùng các quận, huyện đã nỗ lực phòng chống dịch bệnh nhưng vẫn còn quá nhiều điểm nguy cơ làm gia tăng bệnh này.
Con trai của chị Nguyễn Thị Lành, trú tại huyện Bình Chánh, TP HCM nhập viện Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng sốt xuất huyết nặng, viêm phổi, ho nhiều, phải nằm ở Phòng hồi sức cấp cứu của Khoa Nhiễm. Khi được hỏi về việc loại bỏ các yếu tố có khả năng sản sinh lăng quăng và muỗi, chị cho rằng, nhà thường xuyên đóng cửa sổ nên sẽ không có muỗi.
Chị Lành nói: “Lúc trước em chưa có biện pháp gì hết. Ở nhà em ít muỗi lắm. Ở trên lầu có một cái hồ cá, do ông xã hồi xưa nuôi, giờ không nuôi nữa, chắc vừa rồi mưa nên nước nó đọng mới có muỗi. Nhưng muỗi không bay vào nhà, em đóng cửa suốt”.
Điều trị cho trẻ nhiễm sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP HCM |
Không chỉ riêng chị Lành, mà còn rất nhiều người dân chưa ý thức đầy đủ trong công tác phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Trong đó nhiều người dân nhập cư nơi sống không ổn định, ít quan tâm đến việc phòng chống dịch bệnh, nên công tác tuyên truyền gặp không ít khó khăn... Đó là thực trạng chung ở TP HCM.
Tại huyện Hóc Môn hiện đã có hơn 600 ca sốt xuất huyết, tăng hơn 41% so với cùng kỳ năm 2016. Qua kiểm tra cho thấy, ổ lăng quăng chủ yếu xuất hiện ở các vựa ve chai không có mái che, các quán ăn, cà phê có trồng cây cảnh, các điểm chăn nuôi gà vịt có vật chứa nước, đồ ăn thức uống cho vật nuôi nhưng không được thay thường xuyên.
Còn ở huyện Bình Chánh, hai điểm nóng là xã Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B hiện có số ca sốt xuất huyết chiếm hơn 50% số ca bệnh của toàn huyện. Huyện này còn có rất nhiều công trình xây dựng bị cưỡng chế phá dỡ, đã trở thành các khu đọng nước gây nên ổ dịch...
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND Quận Bình Tân cho biết, có nhiều nơi chứa nhiều vật liệu phế thải, đặc biệt là ở Quốc lộ 1 A, Bình Hưng Hòa, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B... mưa xuống mà không đổ kịp là ruồi muỗi lại sinh ra. Một số khu đất trống bỏ hoang không xây dựng, người dân bỏ rác ở đó, rồi các hộp cơm đủ thứ đó gây ra những điểm nguy cơ.
Tính đến tuần qua, số ca sốt xuất huyết tại TP HCM là gần 10.160 ca, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2016. Ghi nhận tại 17/24 quận huyện có số ca sốt xuất huyết nhập viện tăng, trong đó Quận 12 tăng 85%. Thành phố cũng đã có 3 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết và 1 trường hợp tử vong có yếu tố liên quan đến sốt xuất huyết.
Theo bà Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TP HCM, ngoài việc phải tổ chức diệt loăng quăng, không để muỗi phát sinh, các ngành y tế, tài nguyên - môi trường cần có sự liên kết chặt chẽ với lực lượng thanh niên tình nguyện để làm vệ sinh môi trường, loại bỏ các yếu tố nguy cơ gây bệnh sốt xuất huyết.
Bà Nguyễn Thị Thu nói: “Sở Y tế, Sở Tài nguyên - Môi trường và các quận huyện, sử dụng các nguồn liên quan đến phòng chống dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ hơn, quyết liệt hơn. Mời ngay Thành Đoàn và đặt hàng cho các em, hỗ trợ kinh phí cho đoàn thanh niên. Nhân dịp chiến dịch Mùa hè xanh này, chúng ta làm liên tục trong tháng cao điểm này”.
Tại các quận, huyện đang là điểm nóng về sốt xuất huyết đều có chung đặc điểm là tốc độ đô thị hóa nhanh, dân nhập cư nhiều và nhiều điểm nguy cơ. Vì vậy, TP HCM cần phải triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Đặc biệt trong giai đoạn cao điểm sốt xuất huyết hiện nay, mọi người dân hãy cùng chung tay diệt lăng quăng và loại bỏ điểm phát triển của muỗi, không để sốt xuất huyết lây lan./.
Số ca mắc sốt xuất huyết tăng mạnh, bùng phát thành dịch bệnh
Cách bảo vệ bản thân khỏi bệnh sốt xuất huyết