Ngày 6/12, kỳ họp thứ 5, HĐND TP.Hà Nội dành một ngày để chất vấn về các vấn đề "nóng" được các đại biểu và cử tri quan tâm.

Nội dung chất vấn và trả lời chất vấn nhóm quản lý đô thị, đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo, lòng đường, vỉa hè kinh doanh bãi trông giữ xe…

Một trong những vấn đề được người dân Hà Nội quan tâm là tình trạng đổ trộm phế thải.

ho_khuong_dinh_vov_nlfb.jpg
Rác thải rắn xây dựng tại hồ Khương Trung hay hồ Đầm Hồng.

Theo Điều 14 Luật Thủ đô năm 2012: “Trên địa bàn Thủ đô, nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm gây ô nhiễm sông, suối hồ, công viên, vườn hoa, khu vực công cộng”.

Tuy nhiên gần đây, tình trạng đổ phế thải xây dựng, lấn chiếm diện tích hồ tại các hồ Linh Quang (quận Đống Đa), hồ Đầm Hồng (quận Hoàng Mai)… gây ô nhiễm môi trường, gây bức xúc trong nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức đặt vấn đề: Xử lý rác thải là vấn nạn của các đô thị lớn trên thế giới và Hà Nội không là ngoại lệ.

Trong năm 2017 đánh dấu bước chuyển quan trọng của TP.Hà Nội trong quản lý Nhà nước khi tiến hành công khai đấu thầu thu gom xử lý rác thải, giảm kinh phí cho ngân sách nhà nước, cũng như quy định rõ trách nhiệm từng đơn vị, từng địa bàn.

Tuy nhiên, qua phiên giải trình của HĐND TP.Hà Nội về thu gom xử lý rác thải trên địa bàn Hà Nội cho thấy có nhiều vấn bất cập.

Việc thu gom rác thải tại các quận huyện còn nhiều tồn đọng, thiếu điểm tập kết rác, chuyên chở rác đến bãi rác để xử lý quá xa, chưa có phương án xử lý rác tại chỗ.

Theo ông Nguyễn Xuân Lưu – Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân, số phế thải đổ ra do đào hồ Khương Trung (hồ Đầm Hồng) đơn vị thi công là Tổng công ty xây dựng Hà Nội đang tích cực vận chuyển đến thời điểm này đã dọn được 15.000 m3 đạt khoảng 40% khối lượng.

Lãnh đạo quận Thanh Xuân cho hay, đơn vị này cam kết trước ngày 10/2/2018 (trước Tết âm lịch) sẽ hoàn thành việc vận chuyển phế thải. Trong trường hợp đến thời hạn không thực hiện xong, quận Thanh Xuân sẽ cùng đơn vị tập trung máy móc thiết bị, vận chuyển dứt điểm…

Báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho biết, thống kê sơ bộ, lượng chất thải rắn xây dựng hàng ngày trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 tấn, chưa tính đến tính phát sinh từ các dự án xây dựng, giao thông.

Hà Nội hiện chỉ có 4 bãi đổ chất thải rắn xây dựng là Nguyên Khê, Vân Nội (huyện Đông Anh), Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì và Dưỡng Liễu, huyện Hoài Đức.

Các bãi tập kết này cơ bản đã đầy, hạn chế khả năng tiếp nhận lượng chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố.

Bãi thải tại phố Việt Hưng, phường Gia Thụy, quận Long Biên thực chất là đất dự án phục xây dựng trung tâm thương mại.

Trong khi đó, Hà Nội đang triển khai một số dự án trọng điểm như: dự án mở đường Vành đai 3 Mai Dịch – Cầu Giấy (phá dỡ khoảng 58.500 m3), tuyến đường vành đai 2 kết hợp mở rộng theo quy hoạch đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng khối lượng chất thải xây dựng rắn khoảng 150.000 m3, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục.

Ngoài ra, thời gian tới sẽ phá dỡ xây dựng cải tạo khoảng 28 khu chung cư tập trung.

Chất thải rắn xây dựng tại các dự án nêu trên sẽ thực hiện ứng dụng công nghệ để xử lý, tái chế bằng công nghệ tiên tiến đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, giữ vệ sinh môi trường, không phải đầu tư nhiều khu xử lý, giảm việc đổ trộm, trộn lẫn chất thải rắn xây dựng với chất thải sinh hoạt.

Bãi phế thải Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì có diện tích 5ha gần như đã bị lấp đầy.

Đến nay, UBND thành phố đã chấp thuận chủ trương thực hiện phương án, địa điểm có thể làm trạm trung chuyển tạm thời, đặt thiết bị xử lý, tái chế nghiền chất thải rắn xây dựng tại các vị trí: ô đất ngoài đê cầu Thanh Trì, quận Hoàng Mai; bãi đổ tại xã Yên Sở, quận Hoàng Mai; bãi xử lý phế thải xây dựng Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì; Đang tìm vị trí tạm thời đặt máy nghiền, trung chuyển chất thải xây dựng tại Khu đô thị Tây Hồ Tây,Công viên hồ điều hòa Nam Trung Yên./.