Cuộc làm việc của chúng tôi với bà Trần Phương Linh, trưởng trạm y tế phường 2, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang  bị gián đoạn liên tục, bởi chiếc điện thoại của người cán bộ y tế này reo liên tiếp. Đó là những cuộc gọi chỉ đạo từ cấp trên, thông tin báo về từ các khu phố, người dân yêu cầu đến kiểm tra sức khỏe khi có triệu chứng bất thường.

Bà Trần Phương Linh cho biết, trạm y tế phường có 8 cán bộ, nhân viên. Ngoài công tác chuyên môn tại trạm y tế còn đang phụ trách quản lý, chăm sóc 151 ca F0, 162 trường hợp F1 và sẵn sàng phục vụ người dân khi có yêu cầu. Công việc khá nặng nề và áp lực cao nhưng cán bộ, nhân viên y tế đã san sẻ công việc với nhau, cùng hoàn thành nhiệm vụ.

“Vai trò lãnh đạo của một trạm y tế, tôi phân công đều tay tất cả các nhân viên và tất cả các nhân viên phải đồng lòng hỗ trợ nhau chứ không giao cho một người. Quan trọng nhất là sự đoàn kết nội bộ, hỗ trợ nhau trong công việc phòng chống dịch bệnh của địa phương sẽ tốt hơn. Về kiến nghị chế độ, anh em làm việc rất cực khổ mong sao chế độ như thế nào để anh chị em có động lực để thực hiện công tác phòng chống dịch sẽ tốt hơn”, bà Trần Phương Linh chia sẻ.

Là thành viên của Trung tâm chỉ huy phòng, chống dịch bệnh cấp cơ sở, trạm y tế xã phường, thị trấn ở tỉnh Tiền Giang có nhiệm vụ tham mưu cho Đảng ủy, chính quyền địa phương lập kế hoạch phòng chống dịch bệnh; tiếp nhận thông tin, xử lý các ca bệnh hay các trường hợp nghi ngờ; thực hiện công tác tư vấn sức khỏe, chăm sóc, hỗ trợ điều trị bệnh nhân và các trường hợp nghi nhiễm.

Trạm y tế cơ sở đã cử cán bộ, nhân viên trực 24/24 để tiếp nhận, xử lý các trường hợp nghi nhiễm COVID-19, lấy mẫu xét nghiệm... Đặc biệt, đối với các trường hợp F1, các ca F0 khi cách ly, điều trị tại nhà, cán bộ y tế phải quản lý chặt chẽ, thường xuyên thăm khám và xử lý các tình huống phát sinh.

Một bệnh nhân COVID-19 tại ấp Tân Tỉnh B, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho cho biết, vô cùng cảm kích tấm lòng, sự tận tình quan tâm, hỗ trợ của các cán bộ, nhân viên  y tế xã. Nhờ vậy mà bệnh nhân ổn định tâm lý, tinh thần để điều trị bệnh: “Hiện nay, tôi đã khỏe lại bình thường. Các nhân viên y tế đã xuống phun khử khuẩn cả nhà, rồi cho tôi thuốc uống, test cho các thành viên khác trong gia đình. Lực lượng y tế rất nhiệt tình, đồng thời còn động viên chúng tôi cố gắng vì dịch này có nhiều người mắc”.

Đến nay, các địa phương trong tỉnh Tiền Giang đã điều trị hơn 5.400 ca F0 tại nhà, trong đó, trên 1.470 ca đã điều trị khỏi; 3.700 ca đang tiếp tục điều trị, trong đó, 257 F0 bệnh nặng phải chuyển vào khu điều trị. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có gần 12.000 F1 đang được cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà. Để thực hiện công tác này, Sở Y tế Tiền Giang đã phân công và niêm yết danh sách kèm theo điện thoại liên lạc với hơn 200 cán bộ y tế quản lý F0 điều trị tại nhà.

Tại huyện Chợ Gạo, công tác phòng, chống dịch bệnh của trạm y tế xã, thị trấn cũng đang gặp hết sức khó khăn về nhân lực và kinh phí. Ngoài tiền lương và tiền bồi dưỡng trực ngoài giờ thì cán bộ y tế cơ sở chưa có phụ cấp nào khác.

Bác sĩ Nguyễn Văn Bé, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Chợ Gạo cho biết, đây là tình trạng  khó khăn chung. Trung tâm y tế huyện đã quan tâm hỗ trợ về chuyên môn và động viên cán bộ y tế xã khắc phục khó khăn: “Anh em  y tế xã làm việc với tinh thần vì cộng đồng vì sức khỏe người dân. Các chế độ thì mình giải quyết nhanh nhất cho anh em, ví dụ như tiền trực, tiền lương mình phải giải quyết sớm nhất, giải quyết nhanh để anh em có động lực để họ làm”.

Hiện nay, dịch COVID-19 tại tỉnh Tiền Giang còn diễn biến phức tạp, số ca F0 tăng cao. Công tác quản lý, chăm sóc, điều trị cho F0 và các trường hợp cách ly F1 tại nhà tiếp tục thực hiện. Do đó, cán bộ, viên chức ngành y tế  ở tỉnh (nói chung) và cán bộ, nhân viên y tế ở xã, phường thị trấn (nói riêng) chịu nhiều áp lực lớn.

Vấn đề chia sẻ, hỗ trợ công việc và giải quyết kịp thời các chế độ đối với cán bộ, nhân viên y tế cơ sở là vấn đề cần được các ngành, các cấp quan tâm, để họ làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân và yên tâm phòng chống dịch bệnh./.