Cùng với đó là thiếu nhân sự có kỹ năng chuyên môn để xử lý vụ việc một cách khéo léo, tránh làm tổn thương thêm cho trẻ về tâm lý... Đó là một số vấn đề được nêu lên tại Hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện Quyết định số 2017 của UBND TP.HCM về ban hành quy trình phối hợp hỗ trợ, can thiệp, xử lý đối với các trường hợp trẻ em bị bạo lực, xâm hại, xâm hại tình dục.

Theo báo cáo của Trung tâm pháp y TP.HCM, trong 2 năm 2020 và 2021, thành phố có 308 ca giám định về bạo hành, xâm hại trẻ em; trong đó có 133 trường hợp xâm hại ở mức độ hình sự.

Những năm gần đây, đối tượng thực hiện hành vi xâm hại trẻ em ngày càng mở rộng, không chỉ là lao động phổ thông có trình độ dân trí thấp mà có cả những người có nghề nghiệp ổn định, trình độ dân trí cao, có địa vị xã hội, chủ yếu ở độ tuổi từ 18 trở lên. Phần lớn những người xâm hại trẻ em là nam giới và là người quen biết với trẻ như: họ hàng, hàng xóm, bạn của gia đình...

Một số trường hợp diễn ra trong một thời gian dài, thậm chí kéo dài nhiều năm nhưng nạn nhân im lặng. Đặc biệt, nếu trước đây, các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn TP.HCM thường xảy ra ở những nơi vắng vẻ, khu vực ngoại thành, khách sạn, nhà trọ..., thì gần đây đã xảy ra tại các khu vực công cộng thuộc các chung cư, trường học, công viên.

Tại hội nghị, các đại biểu cho biết Quyết định 2017 của UBND TP.HCM đã quy định rõ vai trò của các cơ quan, tổ chức khi có vụ việc trẻ em bị bạo hành, xâm hại xảy ra; yêu cầu các đơn vị phối hợp xử lý đồng bộ, nhanh chóng và bảo mật thông tin cho trẻ. Tuy nhiên, sau 1 năm thực hiện vẫn còn một số hạn chế, như: công tác xử lý các vụ xâm hại trẻ em còn chậm, thiếu đồng bộ; nhiều địa phương chưa thực hiện tốt việc bảo mật thông tin của trẻ.

Thêm vào đó, việc nhiều đoàn thể tới thăm hỏi khiến vụ việc bị khơi gợi nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ cũng như thông tin của trẻ không được bảo mật. Một số địa phương do lo ngại việc bị giảm điểm đánh giá nên đã không báo cáo đầy đủ các vụ việc xảy ra trên địa bàn. Nhiều cán bộ tham gia công tác tiếp nhận, xử lý vụ việc chưa được đào tạo bài bản về nghiệp vụ, kỹ năng khi tiếp cận với trẻ sau sang chấn.

Là một trong những người tham gia tích cực trong công tác này, Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ - Chi hội trưởng Chi hội Luật sư, thuộc Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM đề nghị: “Khi giải quyết các vụ án xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục thì các cơ quan tiến hành tố tụng như tòa án, viện kiểm sát, công an... cần phải được giao cho những người đã được đào tạo, tập huấn về kiến thức, kỹ năng, tâm lý trẻ em. Qua đó hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót, dẫn đến phải xử lý nhiều lần và kéo dài vụ án”./.