Các đoàn chi viện liên tục lên đường

Ngày 8/11, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, TP.Thủ Đức cử lực lượng tăng cường cho miền Tây chống dịch. 60 y bác sĩ, điều dưỡng chuyên khoa hồi sức, cấp cứu dày dạn kinh nghiệm điều trị COVID-19 cùng nhiều trang thiết bị vật tư y tế, thuốc men lập tức lên đường. Đoàn công tác tham gia hỗ trợ tiêm vaccine và điều trị bệnh nhân COVID-19 tại Bạc Liêu, Cà Mau. 

Tại Cà Mau, nhân viên y tế của Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ y tế địa phương tiêm chủng vaccine COVID-19 trong 5 ngày với khoảng 45.000- 50.000 mũi tiêm. Còn tại Bạc Liêu, địa phương đã vượt mốc 5.000 F0, đoàn tham gia trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, tư vấn, thiết kế quy trình phân luồng, điều trị, thiết lập hệ thống oxy lỏng...

Trước đó 2 ngày, lực lượng của Khoa Hô hấp, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cũng đã đến hỗ trợ chống dịch tại Cơ sở thu dung điều trị huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Bác sĩ Quách Ninh Phong – Trưởng khoa Hô hấp cho biết, trung tâm này có quy mô 600 giường và hiện đã tiếp nhận đủ 600 bệnh nhân. Trước khi đoàn đến, cơ sở này thiếu thốn cả nhân lực và vật lực khi chỉ có 7 bác sĩ, 9 điều dưỡng, một ít thiết bị cơ bản. Vì vậy, đoàn đến với 5 người cùng nhiều máy móc, thiết bị, thuốc men và cả đồ bảo hộ đã thực sự là niềm vui cho cơ sở cũng như bệnh nhân.

Bác sĩ Phong cho biết, do đồng nghiệp ở Châu Thành chưa có nhiều kinh nghiệm nên lực lượng chi viện của Bệnh viện Lê Văn Thịnh hỗ trợ tích cực về chuyên môn, kể cả cầm tay chỉ việc, bàn giao công nghệ, hướng dẫn sử dụng các loại máy móc hiện đại… Mục tiêu đặt ra là kịp thời cấp cứu, giữ cho bệnh nhân không bị chuyển lên tầng cao hơn, hạn chế tối đa mức độ tử vong.

“Do công việc của chúng tôi ở  bệnh viện Lê Văn Thịnh, bệnh viện dã chiến số 3, chúng tôi phải chia ra rất nhiều nơi, nên đưa về đây được 2 bác sĩ, 3 điều dưỡng, đều là những người có kinh nghiệm trong đợt dịch thứ 4 ở TP.HCM. Đa số các em ở đây đều trẻ tuổi, chưa có gia đình, đi với tinh thần quyết chiến quyết thắng”, bác sĩ Phong chia sẻ.

Từ giữa tháng 10 đến nay, hàng trăm y bác sĩ TP.HCM đã chi viện cho các điểm nóng bùng dịch. Cụ thể như, đoàn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM hỗ trợ tỉnh Sóc Trăng, Bệnh viện Trưng Vương hỗ trợ tỉnh An Giang, Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương cùng 11 y bác sĩ chi viện cho tỉnh Bạc Liêu... Ngoài các thuốc đặc trị COVID-19, các đoàn còn mang theo 14 loại trang thiết bị y tế cần thiết trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng.

Truyền kinh nghiệm “đánh chặn từ xa” tại điểm nóng Bạc Liêu

Trước đó, khi Bạc Liêu là vùng nguy cơ rất cao, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy Nguyễn Tri Thức cùng tổ công tác đặc biệt của bệnh viện này cũng đã trực tiếp đến Bạc Liêu khảo sát, làm việc với lãnh đạo tỉnh và đồng nghiệp tại bệnh viện đa khoa, đề xuất các phương án hỗ trợ phòng chống dịch. Sau khi xin ý kiến khẩn cấp từ Bộ trưởng Bộ Y tế, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chia sẻ 30.000 liều vaccine AstraZeneca và 12.000 liều vaccine Pfizer, Bệnh viện Thống Nhất chia sẻ 5.000 liều AstraZenca cho Bạc Liêu. Nhiều doanh nghiệp từ TP.HCM đã hỗ trợ tỉnh máy thở, xe tiêm chủng lưu động, trạm chiết nạp oxy, máy xét nghiệm PCR, trang thiết bị máy móc điều trị COVID-19...

Từ những kinh nghiệm trong đợt dịch tại TP.HCM vừa qua, nhóm chuyên gia Bệnh viện Chợ Rẫy hỗ trợ Bạc Liêu thiết lập các tầng điều trị và tạo mối liên hệ giữa các tầng, nâng cao năng lực hồi sức cấp cứu, lắp đặt hệ thống oxy lỏng, kiểm soát nhiễm khuẩn, quy trình xét nghiệm, chuẩn bị nguồn máu... 12 y bác sĩ Chợ Rẫy tiếp tục ở lại Bạc Liêu hỗ trợ y tế địa phương đến khi kiểm soát được dịch.

Sau một tuần được chi viện, từ địa phương “vùng đỏ” duy nhất của cả nước, Bạc Liêu đã được đổi màu sang “vùng cam” từ ngày 9/11.

Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Phải đánh chặn từ xa, đừng ngồi chờ người ta thở máy, bệnh nặng rồi phải chạy ECMO thì cứu được ít lắm. Phải đánh chặn từ xa, từ tầng 1 tầng 2 thì mới hiệu quả cao và lâu dài”.

Tiếp tục tăng cường dập dịch ở miền Tây

Theo bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, sắp tới, một số bệnh viện như Nhân dân Gia Định sẽ tập trung hỗ trợ Kiên Giang. Nhiều đoàn khác tiếp tục chi viện cho Cà Mau, Sóc Trăng, Trà Vinh:

“Trong thời gian sắp tới, chúng tôi đã xây dựng kế hoạch phân công cho từng bệnh viện cụ thể để hỗ trợ cho từng tỉnh thành miền Tây. Các bệnh viện cũng đang liên lạc để khảo sát nhu cầu hỗ trợ như thế nào, từ đội tiêm vaccine đến hỗ trợ về chuyên môn, cách ly F0 tại nhà cũng như các quy trình khác”, bác sĩ Nguyễn Hoài Nam nói.

Bên cạnh việc hỗ trợ trực tiếp, các bệnh viện tuyến cuối tại TP.HCM thường xuyên hội chẩn trực tuyến trong điều trị nhiều ca COVID-19 nặng ở các tỉnh, tổ chức truyền đạt kinh nghiệm thu dung điều trị, cách ly F0 tại nhà. Đặc biệt, kinh nghiệm thiết lập và hoạt động của mô hình bệnh viện dã chiến 3 tầng cũng đã được chia sẻ đến các tỉnh thành khác. Sở Y tế TP.HCM kỳ vọng, giải pháp trên có thể giúp các tỉnh chống dịch, giảm các ca COVID-19 nặng và rất nặng phải chuyển viện về TP.HCM./.