Tại huyện Nhà Bè, một trong hai huyện chuyển từ "vàng" sang "cam", từ ngày 1/10 đến 4/11 có 2.551 ca F0, trong đó có 1.750 ca khẳng định bằng xét nghiệm RT-PCR và 801 ca test nhanh. Các ca bệnh được phát hiện từ các công nhân dương tính làm việc tại khu công nghiệp Hiệp Phước của TP.HCM và khu công nghiệp Long Hậu của tỉnh Long An, cư ngụ tại các khu trọ trên địa bàn.

Hiện huyện Nhà Bè có 19 ổ dịch cộng đồng, đã đưa vào hoạt động 7 trạm y tế lưu động do lực lượng quân y hỗ trợ để quản lý và chăm sóc F0. Đây là địa phương khu công nghiệp, cảng biển, nhiều nhà trọ, biến động dân cư cao nên nguy cơ cao, đòi hỏi phải có biện pháp kiểm soát dịch chặt chẽ.

Còn tại Quận 12, tính từ ngày 23/10 đến ngày 7/11 đã ghi nhận hơn 8.000 trường hợp F0 (bằng xét nghiệm kháng nguyên nhanh và RT-PCR). Trong đó, riêng phường Hiệp Thành, phường duy nhất của Quận 12 có khu công nghiệp ghi nhận hơn 1.200 trường hợp. Hiện các ca nhiễm mới tập trung chủ yếu ở công nhân, người dân sống trong các khu nhà trọ. Quận 12 đang giám sát và theo dõi chăm sóc điều trị tại nhà cho 5.643 trường hợp đủ điều kiện cách ly tại nhà, đồng thời kích hoạt thêm 10 trạm y tế lưu động do Bệnh viện Quận 12 hỗ trợ nhân lực.

Tại buổi làm việc với Quận 12 về công tác chống dịch ngày 7/11, GS.TS.BS Tăng Chí Thượng- Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng, cần thành lập một Trạm Y tế lưu động cũng như triển khai một Khu cách ly ngay trong Khu công nghiệp Tân Thới Hiệp.

Sát với Quận 12 là huyện Hóc Môn cũng có đến 6.700 ca F0 cộng đồng trong mấy ngày gần đây. Bác sĩ Ngô Hồng Việt Thanh– Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Hóc Môn cho biết, mấy ngày qua, địa bàn thiếu nhân lực y tế, vì vậy một số F0 gọi đến trạm y tế nhưng không ai nghe máy. Hiện nay huyện đã được Sở Y tế chi viện, có tổng cộng 31 trạm y tế lưu động để quản lý F0.

Theo Bản đồ Covid-19 của Sở Thông tin– Truyền thông TP.HCM, đến ngày 8/11, huyện Nhà Bè và Cần Giờ là 2 huyện ở cấp độ 3, là vùng cam (nguy cơ cao)./.