Cơ bản phân luồng ổn định
Đồng Nai là tỉnh áp dụng Chỉ thị 16 sớm nhất trong khu vực Đông Nam Bộ. Việc phân luồng, lưu thông được áp dụng theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải.
Ông Dương Mạnh Hưng, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho biết: Tỉnh đã áp dụng Chỉ thị 16 từ ngày 9/7, mấy ngày qua tình hình giao thương, vận tải hàng hóa thông thoáng vì Đồng Nai phối hợp tốt với TP.HCM.
Theo ông Hưng, ngành giao thông đã hướng dẫn rất kỹ cho các doanh nghiệp làm thủ tục để được cấp giấy nhận diện. Các phương tiện quá cảnh qua địa bàn thì ngành giao thông tỉnh Đồng Nai nhận hồ sơ của doanh nghiệp và nộp cho TP.HCM.
“Chúng tôi đã phân luồng những phương tiện có giấy nhận diện sẽ đi vào luồng xanh để được ưu tiên. Các địa phương sẽ thành lập luồng xanh của địa phương để lưu thông hàng hóa tốt nhất, thông thoáng nhất. Riêng địa bàn Đồng Nai là từ Bình Dương, Vũng Tàu qua rồi Bình Thuận vào, hay từ TP.HCM hoặc các tỉnh miền Tây đi qua rất tốt, không có vấn đề gì”, ông Hưng nói.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu yêu cầu tài xế lái xe vận chuyển hàng hóa phải có giấy xét nghiệm âm tính với Covid-19 không quá 5 ngày kể từ ngày có kết quả xét nghiệm. Nếu không có thì tỉnh này thực hiện xét nghiệm cho lái xe hai lần (lần vào và lần ra), kinh phí tài xế tự trả.
Đại tá Lê Văn Ninh, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Công an tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Để tránh ùn ứ giao thông, đảm bảo hàng hoá được thông suốt giữa các địa phương, tại chốt kiểm tra trên Quốc lộ 51 ngành chức năng chia thành 3 tổ kiểm soát tất cả các phương tiện vào tỉnh, mỗi tổ cách nhau 1,5km. Lực lượng gồm tổ kiểm soát xe gắn máy, tổ xe khách và tổ làm nhiệm vụ kiểm soát xe vận tải hàng hoá.
“Tất cả các phương tiện giao thông vận chuyển hàng hoá vẫn phải áp dụng giấy xét nghiệm âm tính mới vào Bà Rịa – Vũng Tàu. Nếu phương tiện từ vùng dịch ra hay đi qua vùng dịch thì tài xế phải có kết quả âm tính trước khi vào tỉnh. Còn tất cả các trường hợp khác phải khai báo y tế, quản lý”, Đại tá Lê Văn Ninh nói rõ.
Việc tổ chức lại hoạt động vận tải cũng được tỉnh Tây Ninh gấp rút thực hiện. Ông Nguyễn Tấn Tài, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tây Ninh khẳng định ngành giao thông tạo thuận lợi nhất cho hoạt động vận chuyển hàng hoá. Ngoài việc tham gia vào 5 luồng vận chuyển quốc gia thì ngành giao thông tỉnh Tây Ninh cũng đã chủ động tạo theo các luồng vận chuyển với các tỉnh xung quanh, đặc biệt là với TP.HCM.
“Tây Ninh đã tham gia 5 luồng quốc gia. Ngoài 5 luồng này, tỉnh Tây Ninh đã đề xuất thêm với TP.HCM, Long An, Bình Dương, Bình Phước thêm 7 luồng nữa và đã được Sở GTVT các tỉnh này đồng ý. Hoạt động vận tải hàng hoá nội tỉnh thì diễn ra bình thường, hoạt động vận tải diễn ra lưu thông thông suốt”, ông Tài cho hay.
Trước yêu cầu áp dụng Chỉ thị 16 cho các tỉnh phía Nam, Sở Công thương tỉnh Bình Thuận cho biết đến nay chưa nhận được phản ánh khó khăn của các doanh nghiệp vận chuyển hàng hoá. Còn Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận đã thông báo về việc tổ chức phân luồng giao thông cho các phương tiện lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Ninh Thuận cho biết, ngành giao thông tỉnh này đã kết nối luồng xanh các tuyến đường của tỉnh với Quốc lộ 1, chờ Tổng Cục đường bộ Việt Nam có hướng dẫn tiếp theo thì sẽ triển khai giống như TP.HCM.
Lo không đủ hàng khi giãn cách
Đến thời điểm này, tỉnh Long An đã điều tiết giao thông, xử lý cơ bản những khó khăn ban đầu để phương tiện vào đến cửa ngõ. Tuy nhiên, việc các tỉnh phía Nam đồng loạt thực hiện giãn cách xã hội cũng phát sinh một số khó khăn. Dự báo sẽ có một số sản phẩm trở nên khan hàng trong những ngày tới. Đặc biệt là từ TP.HCM nơi cung cấp chủ lực cho các tỉnh Tây Nam Bộ đối với nguồn cung ứng hàng công nghiệp khô, hàng chế biến sẵn, hàng đóng gói và mỳ ăn liền...
Bà Châu Thị Lệ, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Long An cho biết, những hàng công nghiệp chế biến từ TPHCM và các tỉnh về hiện các hệ thống phân phối tại Long An cũng có dự trữ, nhưng áp lực 19 tỉnh đều giãn cách như vậy, khiến nguồn cung hàng này những ngày tới dự báo sẽ ít đi, trong đó có mì tôm.
“Hiện Long An không có doanh nghiệp nào sản xuất mặt hàng mì tôm. Việc cung ứng mặt hàng này phía Nam tập trung chủ yếu ở TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Theo một số nhà phân phối thì thời điểm này việc điều phối hàng từ các hệ thống đang rất khó khăn và không dồi dào như trước”, bà Lệ cho biết thêm.
Để giải quyết tình trạng khó khăn về thực phẩm, hàng hóa khi 19 tỉnh, thành phía Nam thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, Sở Công Thương TP.HCM đã phối hợp với một số đơn vị có phương tiện vận tải đường thủy hỗ trợ các doanh nghiệp, thương nhân vận chuyển hàng hóa từ một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long về TP.HCM bằng đường thủy.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trước mắt, các doanh nghiệp sẽ vận chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm từ Tiền Giang về TP.HCM bằng phương tiện này, mỗi ngày có từ 2-5 chuyến hàng với thời gian vận chuyển khoảng 2h. Bên cạnh đó, Sở cũng đã có sự phối hợp với sở công thương các tỉnh trong khu vực và phía Bắc tìm nguồn cung, chuẩn bị thêm hàng hóa cho TP.HCM trong những ngày tới.
“Sở cũng làm việc lại với các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung và tỉnh phía Bắc với sự hỗ trợ của các các bộ, ngành chức năng như: Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển Nông thôn, sở công thương các tỉnh này rà soát và giới thiệu các đơn vị, nguồn cung ứng nông sản, lương thực, thực phẩm cho TP.HCM, các đơn vị này cùng các doanh nghiệp logistics tính toán phương án phân luồn tuyến, năng lực trữ kho bãi để chuẩn bị dự phòng khi nguồn cung ở các tỉnh phía Nam khó khăn hơn”, ông Phương cho hay.
Để công tác phòng chống dịch Covid-19 đạt hiệu quả cao nhất, các tỉnh, thành khu vực Đông Nam Bộ cần tính toán kỹ về nguồn tiếp ứng hàng hóa, thực phẩm. Đồng thời, tạo điều kiện tối đa cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa để người dân yên tâm, thực hiện tốt việc giãn cách xã hội./.