Trong thời gian qua tiến độ tiêm vaccine ở hầu hết các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh Tiền Giang đều chỉ từ 2.000 đến 5.000 liều mỗi ngày (ngày cao nhất chỉ đạt 8.000 liều rồi lại giảm xuống), không đạt kế hoạch đề ra. Công tác tiêm vaccine của tỉnh bị chậm, một phần nguyên nhân là do lực lượng y tế của tỉnh rất mỏng lại đang phải thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch và công tác khám, chữa bệnh thường xuyên.
Để đáp ứng nhân lực phục vụ cho công tác tiêm phòng trong những ngày tới, ngành Y tế Tiền Giang đang huy động nguồn nhân lực trong ngành qua các thời kỳ, bao gồm cả y tế nhà nước và tư nhân, các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh và kể cả sinh viên chuyên ngành sức khỏe tham gia hỗ trợ. Hình thức tiêm là tổ chức tiêm tại các cơ sở cố định và nhiều điểm tiêm chủng lưu động tại các khu dân cư, cơ quan, đơn vị… Bố trí nhân lực tiêm chủng và các bộ phận hỗ trợ làm việc toàn thời gian trong suốt thời gian tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Bố trí thêm bàn tiêm, điểm tiêm để tăng số lượng tiêm chủng sao cho mỗi ngày lên gấp 15 - 20 lần so với hiện tại. Bắt đầu từ ngày 11/8, thành phố Mỹ Tho, nơi có số ca mắc chiếm 36% so với tổng số F0 trên toàn tỉnh sẽ triển khai chiến dịch tiêm vaccine trên diện rộng.
Đến thời điểm này, tỉnh Tiền Giang đã tiếp nhận 5 đợt vaccine của Bộ Y tế với tổng cộng 268.000 liều. Qua tổ chức tiêm, hiện chỉ còn lại khoảng 100.000 liều.Tỉnh Tiền Giang quyết tâm đến ngày 15/8 sẽ tiêm hết số vaccine này.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Chơn- Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: "Chúng tôi đang tập trung tiêm cho người dân Thành phố Mỹ Tho, bắt đầu triển khai tiêm vào ngày 11/8. Những địa phương có yếu tố nguy cơ rất cao sẽ được ưu tiên tập trung tiêm trước".
Tại tỉnh Hậu Giang, lý giải nguyên nhân tiêm vaccine chậm, lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở tỉnh này cho biết, do địa phương khởi động tiêm vaccine đợt 3 vào đúng thời điểm tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ nên tại các điểm tiêm thực hiện nghiêm 5K và hạn chế số lượng người đến điểm tiêm để không ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Bên cạnh đó, trong đợt tiêm này, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều ổ dịch Covid-19 do đó phải phân bổ lực lượng vừa đi chống dịch, vừa đi tiêm ngừa nên cũng gặp nhiều khó khăn trong các mặt công tác.Ngoài ra, trong thời gian qua, Hậu Giang chỉ tập trung tiêm cho các đối tượng theo quy định tại Nghị quyết số 21 của Chính phủ, chưa mở rộng tiêm cho các đối tượng khác, do đó cũng ảnh hưởng đến tiến độ tiêm chủng vaccine.
Để đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 trong những ngày tới, Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang đã tham mưu với UBND tỉnh, Sở Y tế có hướng mở rộng nhiều điểm tiêm hơn, nhiều bàn tiêm hơn và tăng cường nhân lực từ các đơn vị trong ngành y tế, Bệnh viện đa khoa tỉnh, các Trạm y tế xã, sinh viên Trường Đại học Võ Trường Toản để hỗ trợ cho những điểm tiêm và sẽ mở rộng đối tượng tiêm chủng. Ông Võ Chí Đại- Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hậu Giang cho biết, đến thời điểm này, Hậu Giang đã được phân bổ tổng cộng 87.020 liều vaccine, tỉnh quyết tâm sẽ tiêm hết lượng vaccine trong 5 ngày tới.
"Đến sáng 10/8 thì tỷ lệ tiêm của Hậu Giang đạt khoảng 50% trên tổng liều vaccine đã nhận. Trung tâm DCD đã có chỉ đạo cho các Trung tâm Y tế huyện tăng cường hơn nữa công tác tiêm chủng, tăng cường hơn nữa các bàn tiêm và tăng cường hơn nữa các nguồn lực để hỗ trợ và tiếp tục mở rộng đối tượng theo Quyết định 3355 của Bộ y tế. Chắc chắn là tỉnh Hậu Giang đến ngày 15/8 sẽ tiêm hết các liều vắc xin được Bộ Y tế phân bổ”.
Tại tỉnh Trà Vinh, ông Kiên Sóc Kha- Giám đốc sở Y tế tỉnh Trà Vinh cho biết, tiến độ tiêm vaccine bị chậm là do mỗi đợt tiêm phòng tỉnh rải đều cho các địa phương, ngoài ra vaccine thì lại phân bổ nhỏ giọt, nên vừa thực hiện tiêm, vừa đi nhận rất mất thời gian.
Đến thời điểm này, tỉnh Trà Vinh đã tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho gần 10.000 người là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và tiêm mũi 1 cho khoảng 33.000 người, là các cán bộ, công viên chức đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước có nhiệm vụ tiếp xúc với nhiều người, tức đạt khoảng 4% đối tượng cần được tiêm vaccine trên địa bàn. Hiện tỉnh đang triển khai đợt 5 và sau khi kết thúc đợt tiêm chủng này sẽ đạt khoảng 5% số người cần được tiêm chủng vaccine./.