Dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tỉnh Thừa Thiên Huế đã ghi nhận 5 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2. Cả 5 bệnh nhân này hiện điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2. Bệnh viện Trung ương Huế xác định, các bệnh nhân mắc Covid-19 do nhiễm virus SAR-CoV-2 có nguồn gốc chủng Anh, khả năng lây lan nhanh, tình trạng bệnh nặng, cần tập trung điều trị tích cực. Bệnh viện đã tổ chức điều trị bài bản, dựa trên cơ sở hội chẩn hàng ngày, có hệ thống chăm sóc theo dõi toàn diện. 

Hơn nửa tháng nay, đội ngũ y bác sĩ đang điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân mắc Covid-19 tại cơ sở 2 Bệnh viện Trung ương Huế đã nhiều ngày không về nhà. Anh Phạm Văn Dưỡng, cử nhân gây mê hồi sức, trực tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế cho hay: Công việc hằng ngày của anh là đo mạch, nhiệt độ, huyết áp cho bệnh nhân, thực hiện các y lệnh thuốc, làm xét nghiệm và tiếp đồ ăn cho người bệnh. Anh là một trong những nhân viên của bệnh viện có mặt tại khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 từ đợt dịch đầu tiên vào tháng 4/2020 cho đến nay.

Anh Phạm Văn Dưỡng chia sẻ, anh cùng đồng nghiệp làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cao nên cần phải thận trọng:“Buổi sáng 6 giờ, mình vào kiểm tra dấu hiệu sinh tồn của bệnh nhân, mạch nhịp huyết áp và đưa đồ ăn cho bệnh nhân. Sau đó 8 giờ mình ra lại và bắt đầu từ 9 giờ mình vào thực hiện y lệnh thuốc của bệnh nhân, cũng như các nhu yếu phẩm của bệnh nhân nào cần và đến chiều lại cũng như thế. Một ngày khoảng 4 lần nếu như không có y lệnh đột xuất”.

Khu cách ly, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 của Bệnh viện Trung ương Huế được bố trí biệt lập tại cơ sở 2 ở huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Khu này chỉ tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19, có phòng cách ly áp lực âm, phòng chờ khám có vách ngăn và không gian rộng rãi giữa các giường bệnh. Thực hiện nhiệm vụ kép vừa chống dịch, vừa điều trị cho các bệnh nhân đến từ vùng có dịch, Bệnh viện Trung ương Huế theo dõi chặt chẽ và điều trị có hiệu quả cho nhiều bệnh nhân thuộc trường hợp F1, có các bệnh nền nguy hiểm như: đột quỵ, tim mạch, tai biến. Cả 5 bệnh nhân mắc covid-19 đang điều trị tại Bệnh viện Trung ương Huế đều có tình trạng sức khỏe ổn định và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 từ 1 đến 2 lần.

Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh viện xem việc điều trị và phòng, chống dịch Covid-19 là nhiệm vụ hàng đầu hiện nay.

“Rút kinh nghiệm từ 2 lần điều trị bệnh nhân Covid-19, là đợt 1 và đợt 2, tại Bệnh viện Trung ương Huế, ở Thừa Thiên Huế, cũng như bệnh nhân từ Đà Nẵng chuyển vào. Chúng tôi đã tổ chức một đội hình điều trị rất bài bản, dựa trên cơ sở hội chẩn hàng ngày và có hệ thống chăm sóc, theo dõi toàn diện. Chúng tôi cũng áp dụng các công nghệ cao như hệ thống telehealth, các hệ thống theo dõi từ xa, camara để đảm bảo theo dõi chặt chẽ bệnh nhân, không để bỏ sót những trường hợp nặng”- Giáo sư Hiệp nói.

Đợt dịch lần này rất phức tạp, có chủng virus biến thể “siêu lây nhiễm” cần phải nâng mức cảnh báo chống dịch cao nhất tại các bệnh viện. Đây là nơi duy trì sự sống cho bệnh nhân nhưng cũng là nơi dễ xảy ra lây lan nhanh nếu không được kiểm soát tốt. Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng phương án đảm bảo 500 giường điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại cơ sở 2. Tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu mỗi cán bộ, nhân viên y tế bên cạnh việc chăm sóc tốt cho bệnh nhân còn phải đảm bảo an toàn cho bản thân mình và môi trường trong bệnh viện.

Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế yêu cầu Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng phương án mở rộng khu điều trị cách ly, đảm bảo điều trị cho các bệnh nhân Covid-19 trong trường hợp dịch bùng phát trên diện rộng.

“ Bệnh viện Trung ương Huế cùng Sở Y tế đã tập hợp tất cả những điều kiện để làm sao đảm bảo vật tư y tế, đảm bảo các trang thiết bị, đặc biệt, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cán bộ, công nhân viên chức, những người tham gia trực tiếp phục vụ tại cơ sở y tế. Tuyệt đối không để xảy ra lây nhiễm chéo”, ông Thọ nói./.