Ông Hoàng Phúc Lâm – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, sáng 9/9, bão Conson sẽ di chuyển vào Biển Đông trở thành cơ bão số 5 trong năm 2021.
“Hiện tại, ngoài khơi Philippines còn có 1 cơn bão khác, tên quốc tế là Chanthu có cường độ mạnh cấp 13-14. Các phương án tính toán dự báo mới nhất của Việt Nam và thế giới đều cho thấy quỹ đạo và cường độ của bão Conson sẽ còn rất phức tạp, khó lường. Thay đổi nhiều sau khi đi vào Biển Đông”, ông Lâm chia sẻ.
“Cường độ bão Conson sẽ đạt mạnh nhất khoảng cấp 11 khi đi qua vùng biển quần đảo Hoàng Sa và trước khi tiến gần về đảo Hải Nam (Trung Quốc) sau đó có quá trình suy yếu dần. Chính vì thế, những nguy cơ và tác động lớn nhất của bão Conson sẽ là gió rất mạnh trên toàn bộ vùng biển Bắc Biển Đông trong các ngày từ 9-11/9", ông Lâm nhận định.
Nhận định về tình hình mưa bão từ nay đến hết năm 2021, ông Hoàng Phúc Lâm cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 8/2021 trên Biển Đông đã xuất hiện 4 cơn bão và 2 áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) (hiện đang chuẩn bị đón bão số 5).
Trong đó, bão số 2, bão số 3 và 1 ATNĐ trong tháng 7 đã ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
“Sau cơn bão số 5, từ nay cho tới hết năm 2021, trên khu vực Biển Đông còn có khả năng xuất hiện khoảng 6-8 cơn bão/ATNĐ, trong đó có khoảng từ 2-4 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Về diễn biến mưa lũ, theo ông Lâm, trong giai đoạn tháng 10-11 và nửa đầu tháng 12/2021 sẽ là quãng thời gian xảy ra mưa lớn dồn dập ở khu vực miền Trung, với các đợt mưa lớn kéo dài cộng thêm nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét và sạt lở đất ở mức cao, trọng tâm là các tỉnh Trung và Nam Trung Bộ”, ông Lâm nhận định.
Để ứng phó với bão Conson Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị một số địa phương, rà soát phương án sơ tán dân trong trường hợp bão mạnh và mưa lớn (với rủi ro thiên tai cấp 3) trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Trong đó, dự kiến sơ tán 73.996 dân ven biển.
Cụ thể Quảng Ninh 6.018; Hải Phòng 5.252; Ninh Bình 1.392; Thanh Hóa 42.034; Nghệ An 18.200; Hà Tĩnh 1.100 dân. Dự kiến sơ tán 114.091 người dân ven sông và ngoài đê; 70.770 người dân khu vực nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất.
Các tỉnh khác đang tiếp tục tổng hợp rà soát phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm theo từng kịch bản về diễn biến thiên tai có khả năng xảy ra trong đợt này.
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cũng đề nghị Bộ Y tế có văn bản hướng dẫn cụ thể các địa phương để có biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch khi xảy ra tình huống thiên tai. Đặc biệt với công tác sơ tán dân, nhất là trong trường hợp phải sơ tán dân tập trung khi xảy ra thiên tai lớn, trên diện rộng tại các vùng đỏ không thể thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ./.