Mùa mưa lũ năm nay, người dân huyện miền núi Phước Sơn gần như không thể đi lại trên các tuyến đường vào các xã Phước Kim, Phước Thành và Phước Lộc do lo ngại sạt lở. Hơn 1 năm kể từ trận sạt lở kinh hoàng, vùi lấp tất cả, các tuyến đường ĐH1, ĐH2 và ĐH5 đến bây giờ vẫn ngổn ngang đất đá lởm chởm không khác gì sông, suối. Có nhiều đoạn hai bên đường hàng trăm khối đất đá trên đỉnh núi vẫn còn “chực chờ” đổ xuống mỗi khi có mưa lớn. Một số đường tạm được mở để người dân có thể lưu thông bằng xe máy nhưng cũng rất nguy hiểm. Nhiều chiếc cầu tạm dựng lên để người dân qua lại khi chưa xây được cầu mới cũng bị mưa lũ vừa qua cuốn trôi.
Ông Hồ Văn Pha, người dân xã Phước Thành, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Về khắc phục đường giao thông cho bà con đi lại hiện nay nói chung còn khó khăn do mưa nhiều, bùn đất chảy xuống đường. Nếu không mưa gió thì đơn vị thi công sẽ sớm khắc phục xong, như đoạn đường này, trước Tết họ sẽ làm xong. Nhưng phụ thuộc vào thời tiết nên mình không dám chắc chắn”.
Trước nhu cầu đi lại của người dân, các đơn vị thi công đang tranh thủ thời gian khắc phục nhanh các điểm sạt lở. Hiện, tại khu vực miền núi tỉnh Quảng Nam vẫn có mưa nên các điểm sạt lở vẫn tiềm ẩn nguy cơ sạt lở trở lại. Chính quyền huyện Phước Sơn tiếp tục căng dây và gia cố những điểm cảnh báo nguy hiểm giúp người dân biết để đảm bảo an toàn. Những đoạn đường xung yếu, quan trọng sẽ ưu tiên thi công sửa chữa trước để đảm bảo cho bà con đi lại thuận lợi. Việc xúc tiến sửa chữa tuyến ĐH1 từ xã Phước Kim lên xã Phước Thành, kinh phí 150 tỷ đồng, đang được địa phương thông báo đấu thầu, sớm triển khai thi công khi chọn được nhà thầu.
Ông Đỗ Hoài Xoan, Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam cho biết, tranh thủ nắng ngày nào, huyện đôn đốc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ công việc, tập trung nhân lực, máy móc, phương tiện sửa chữa các công trình giao thông.
“Hiện nay, các đơn vị thi công vẫn đang túc trực, sửa chữa trong những nơi có đường giao thông bị hỏng. Khi mưa xuống thì họ lại phải gạt hết đất, thông tuyến cho xe máy đi qua. Đầu năm, chúng tôi đã dự trữ lương thực đề phòng cho những tình huống xấu. Chúng tôi chỉ đạo cho các ban, ngành mua lương thực, thực phẩm dự trữ đảm bảo ít nhất thời gian khắc phục xong đường. Bây giờ chỉ phụ thuộc tất cả vào thời tiết”, ông Đỗ Hoài Xoan nói.
Những đợt mưa lớn cuối tháng 11 vừa qua đã làm nhiều tuyến đường về các xã vùng sâu ở các huyện miền núi Nam Trà My, Bắc Trà My và Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam tiếp tục bị sạt lở nhiều nơi. Mặc dù năm nay ít xảy ra thiên tai nhưng hậu quả của đợt mưa lũ năm ngoái rất nặng nề, cộng thêm dịch Covid-19 khiến việc khắc phục các công trình giao thông tại vùng núi tỉnh Quảng Nam chậm trễ và gặp nhiều khó khăn. UBND tỉnh Quảng Nam đang chỉ đạo các đơn vị nhanh chóng khắc phục các điểm sạt lở, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân đặc biệt là những xã vùng cao khi Tết Nguyên đán gần kề.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho hay: "Chính quyền tỉnh cũng chỉ đạo huyện, xã đảm bảo giao thông bước một, khắc phục sự cố cho người dân có khả năng lưu thông. Thứ 2, khẩn trương thống kê các thiệt hại, báo cáo về tỉnh, lúc đó tỉnh sẽ có phương án hỗ trợ cho huyện khắc phục sớm nhất những đoạn đường hư hại lớn. Thứ 3, hiện nay những đoạn đường hỏng do thiên tai năm 2020 gây ra, thì tích cực hoàn thiện hồ sơ tổ chức thi công trong mùa nắng và cũng phải khẩn trương thi công trước tháng 9/022 phải hoàn thành, giúp cho việc lưu thông thuận tiện”./.