Tính từ 27/4 đến nay, cả nước đã có hơn 2.500 ca mắc Covid-19 mới, gần bằng 2/3 số ca mắc trong các đợt dịch cộng lại. Riêng tại Thủ đô Hà Nội, trong đợt dịch này đã có hơn 220 ca mắc, riêng trong những ngày gần đây, có ngày lên đến hơn 20 ca. Điều đáng lo ngại là có nhiều ổ dịch trong khu dân cư với diễn biến phức tạp, gây nguy hiểm cho cộng đồng và khó khăn cho công tác kiểm soát, truy vết của các lực lượng chức năng.
Trong mỗi đợt dịch, chúng ta đã bị thiệt hại, hy sinh rất nặng nề không chỉ về kinh tế mà về nhiều lĩnh vực khác. Nhưng chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ rất rõ ràng, chống dịch như chống giặc, đặt sức khỏe của người dân lên trên hết, đã tạo niềm tin, động lực to lớn để toàn hệ thống chính trị, toàn xã hội đồng sức, đồng lòng trong việc phòng chống dịch.
Trong đợt dịch lần này, với diễn biến phức tạp của dịch, có nguyên nhân khách quan nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan như nhận định của người đứng đầu Chính phủ trong cuộc họp khẩn về các biện pháp phòng chống COVID-19 hồi cuối tháng 4 “vừa qua có nơi, có lúc, người đứng đầu cũng chưa thực sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nên tình hình có những sơ hở”. Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ đạo, phải xem xét xử lý nghiêm minh trách nhiệm của người đứng đầu nếu để xảy ra dịch theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước với tinh thần hết sức khách quan, công bằng, hợp lý.
Liên tục trong các cuộc họp, chỉ đạo sau đó, người đứng đầu Chính phủ luôn nhấn mạnh vai trò của “người đứng đầu” trong việc phòng chống dịch.
Và “nói đi đôi với làm”. Việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu được thực hiện đến nơi, đến chốn một cách công bằng, đúng pháp luật. Chỉ chưa đầy 1 tháng, đã có nhiều cán bộ các địa phương bị xử lý kỷ luật vì lơ là, vi phạm trong công tác phòng chống dịch. Tỉnh Yên Bái thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Trung tâm Y tế TP Yên Bái do có vi phạm trong quản lý khu cách ly tập trung; Tỉnh Vĩnh Phúc tạm đình chỉ công tác Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế và Chủ tịch UBND huyện Bình Xuyên để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm vì thiếu chủ động, chậm trễ tham mưu thực hiện các văn bản, chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Phúc trong công tác phòng dịch; Tỉnh Hà Nam cũng tạm đình chỉ công tác đối với 2 cán bộ y tế là trạm trưởng trạm y tế xã Đạo Lý và Giám đốc trung tâm y tế huyện Lý Nhân vì biết bệnh nhân 2899 có ho sốt nhưng chưa xử lý, giải quyết kịp thời, gây lây nhiễm dịch bệnh ra cộng đồng. Mới trong ngày hôm nay, Chủ tịch xã Nguyệt Đức, huyện Thuận Thành (Bắc Ninh) đã bị đình chỉ công tác 1 tuần vì để xảy ra chùm 17 ca mắc COVID-19 trên địa bàn...
Cùng với Đảng, Chính phủ và các bộ ngành, địa phương trong cả nước, Thành ủy, UBND TP Hà Nội đã liên tục có nhiều chỉ đạo, quy định và quyết tâm, nỗ lực trong việc phòng chống dịch. Đặc biệt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Hà Nội cũng đã có nhiều chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc phòng chống dịch.
Mới đây nhất, ngày 24/5, UBND TP Hà Nội ra Công điện khẩn số 11/CĐ-UBND về việc quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn thành phố Hà Nội, trong đó nêu rõ: Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô, Giám đốc Công an Thành phố, Giám đốc Sở Du lịch, Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo xử lý nghiêm trách nhiệm đối với người đứng đầu và các cá nhân liên quan nếu để xảy ra lây chéo trong khu cách ly tập trung và lây nhiễm dịch bệnh từ các khu cách ly tập trung ra cộng đồng; các vi phạm về quy định phòng, chống dịch bệnh Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và Thành phố. Đặc biệt “người đứng cấp cấp ủy, chính quyền các cấp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại địa phương, đơn vị mình phụ trách”.
Vậy nhưng, trong diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, thì đáng buồn ở nhiều nơi, nhiều lúc trên địa bàn TP Hà Nội vẫn còn những cá nhân, cơ sở chưa nghiêm túc trong việc phòng chống dịch. Thành phố Hà Nội vận động người dân không ra khỏi nhà khi không cần thiết; đồng thời yêu cầu tạm dừng các hoạt động tập thể dục, thể thao, các sự kiện tập trung đông người tại khu vực công cộng, vườn hoa, công viên…. Thế nhưng, vẫn còn nhiều người dân không đeo khẩu trang tụ tập hóng mát, đổ ra khu vực trước trụ sở UBND xã Tân Triều (huyện Thanh Trì, Hà Nội) vui chơi và thả diều...
Ngay trong tối hôm qua (24/5), rất đông người dân và phương tiện lấn chiếm lòng đường giao thông trước trụ sở Quận ủy, HĐND, UBND quận Đống Đa để làm nơi vui chơi, tập thể dục, bất chấp quy định phòng chống dịch…
Và từ trưa hôm nay (25/5), Công điện số 11 của TP yêu cầu nhà hàng, cơ sở dịch vụ ăn, uống tại chỗ (cho phép bán hàng mang về), không tổ chức ăn uống, liên hoan tập trung đông người. Thế nhưng vẫn còn vài nơi nấn ná, như quán Phở Thìn trên phố Lò Đúc vẫn bán hàng cho khách ăn tại chỗ sau 12h… là ví dụ.
Ngay từ khi có dịch, Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo về cơ chế lây lan của virus SARS-CoV-2 chủ yếu qua đường hô hấp và thực tế những hậu quả nặng nề trên thế giới cũng đã chứng minh điều này. Và ngay các đợt dịch bùng phát ở Việt Nam, thì điều này lại càng được minh chứng rõ, dịch bùng phát và lây lan mạnh là do tâm lý chủ quan, lơ là và không thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch của các cá nhân, tổ chức.
Trong khi các ngành các cấp từ Trung ương đến địa phương, cả xã hội đang nỗ lực, dồn sức, chấp nhận nhiều hy sinh mất mát cả về vật chất và con người thì khó chấp nhận ở đâu đó, cá nhân, tổ chức vẫn lơ là, coi thường công tác phòng chống dịch, đi ngược lại sự nỗ lực, lợi ích cộng đồng. Và đó cũng là đi ngược lại chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch.
Vì thế, việc một số nơi trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn để xảy ra những vi phạm về phòng chống dịch Covid-19, “người đứng đầu” ở đây phải chịu trách nhiệm như thế nào? Đó cũng là câu hỏi mà dư luận cần được lời giải đáp./.
Trao đổi với báo chí trưa 25/5, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, cán bộ chủ chốt, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trước mắt không rời khỏi địa bàn, duy trì trực và liên lạc 24/24 giờ để tập trung phòng, chống dịch. Từng đồng chí phải xác định rõ, phòng, chống dịch Covid-19 lúc này là nhiệm vụ ưu tiên số 1; hiệu quả chống dịch tại địa bàn mà mình lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành chính là “thước đo” năng lực, trình độ, uy tín, tín nhiệm. Thành phố sẽ siết chặt kỷ cương, kỷ luật, vừa biểu dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân làm tốt, vừa phê bình, kỷ luật nghiêm minh những tập thể, cá nhân làm chưa tốt; tăng cường thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý vi phạm quy định phòng dịch ...