Tỉnh Quảng Ngãi đang chịu tác động mạnh của không khí lạnh. Tại huyện đảo Lý Sơn ghi nhận gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, biển động mạnh và mưa lớn.

Chiều 8/11, toàn bộ 53 lồng bè nuôi trồng thủy sản đã được ngư dân Lý Sơn đưa vào ngay cửa cảng neo đậu tàu thuyền để tránh gió mạnh và sóng lớn. Trước dự báo biển động kéo dài, tàu thuyền từ đất liền ra đảo tạm dừng hoạt động, các hộ nuôi trồng chủ động chuẩn thức ăn dài ngày cho các loại cá thương phẩm, tôm hùm từ những ngày trước, tránh được trình trạng khan hiếm nguồn thức ăn cho cá.

Anh Đinh Văn Có, một hộ nuôi trồng thủy sản ở huyện đảo Lý Sơn cho biết, trung bình mỗi bè cá dự trữ từ 1-1,5 tấn thức ăn, tùy theo số lượng cá, đảm bảo thức ăn cho cá từ 5-7 ngày: “Biển động lâu, tàu thuyền không ra được nên mình lưu trữ  thuốc ăn cho cá, đủ cho cá ăn được thường xuyên hàng ngày cho đủ thời gian biển động”.

Hiện, hơn 500 tàu cá, phương tiện tàu vận tải khách và hàng hoá đã vào neo đậu an toàn tại cảng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn và âu neo đậu tàu thuyền. Các phương tiện hành nghề ở ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa nắm được thông tin đã chủ động tránh trú thời tiết nguy hiểm. Hiện, lực lượng Biên phòng Lý Sơn tăng cường kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu thuyền trong thời điểm này, không để tàu cá lén ra vào đảo chở lương thực, thực phẩm.

Trung úy Trần Văn Mạnh, Trạm trưởng Trạm Kiểm soát Biên phòng An Hải, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Không khí lạnh tràn xuống sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động trên biển, có thể gây đắm thuyền. Đối với các phương tiện đã vào neo trú, chúng tôi sẽ kiên quyết không cho ra khơi, đồng thời, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát ngăn chặn phương tiện đi lén lút. Đi ra khai thác thủy sản khi thời tiết xấu có thể ảnh hưởng đến tài sản và tính mạng con người”.

Cùng với việc ứng phó thời tiết xấu trên biển, nông dân trên đảo Lý Sơn khẩn trương bảo vệ hàng trăm héc-ta tỏi vụ Đông Xuân mới trồng. Nhiều diện tích tỏi vụ Đông Xuân nằm sát biển và vùng trống gió được bà con nông dân rào bờ chắn, gia cố lại bờ ruộng, khơi thông kênh mương, đồng thời, tăng sức đề kháng chống chịu cho cây tỏi, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa gió gây ra.

Bà Nguyễn Thị Hoa, ở thôn Đông An Hải, huyện Lý Sơn cho biết, trồng tỏi mùa này lo nhất là mưa gió, không khí lạnh tràn về gây mưa to, gió mạnh kéo dài: “Trời yên thì cây tỏi mới phát triển được. Cây tỏi không chịu được gió, trồng xuống thì phải rào lưới, chứ không thì cây tỏi không lên được, do vậy, mấy hôm nay chúng tôi phải lo làm rào”./.