Trao đổi với phóng viên ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia cho biết, bão số 7 đang có hướng di chuyển lên khu vực đảo Hải Nam và suy yếu một chút trước khi di chuyển trở vào Vĩnh Bắc Bộ và có thể mạnh trở lại.

“Bão số 7 sẽ chịu tác động bởi nhiều yếu tố thiên tai khác nhau như không khí lạnh, dãy áp cao cận nhiệt đới, vì vậy quỹ đạo, cường độ, lượng mưa và gió của bão sẽ còn phức tạp. Khả năng cao nhất là bão số 7 sẽ gây ra một đợt mưa lớn trên diện rộng. Cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt rất lớn”, ông Lâm nhận định.

“Do ảnh hưởng của bão, mưa lớn gây ra nguy cơ rất cao sẽ xuất hiện lũ quét và sạt lở đất ở khu vực Quảng Trị và Quảng Nam. Trong đó, cảnh báo sạt lở tại các huyện: Đakrông, Hướng Hóa, Vĩnh Linh (Quảng Trị); Bắc Trà My, Nam Trà My (có điểm đen Trà Leng), Phước Sơn, Núi Thành, Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nông Sơn (Quảng Nam)”, ông Lâm cho biết. 

Ngoài ra, theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, bão số 7 sẽ ảnh hưởng và gây nguy cơ sạt lở cho nhiều địa phương ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Cụ thể, có khoảng 32 huyện tại các tỉnh Quảng Ninh, Hòa Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình được dự báo có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Để sẵn sàng ứng phó với phù hợp với diễn biến thực tế của bão, mưa lũ, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố điều chỉnh các hoạt động ứng phó với thiên tai phù hợp với tình hình thực tế diễn biến bão (bão đã di chuyển lên phía Bắc), mưa lớn và nguy cơ lũ lớn, ngập lụt diện rộng không xảy ra trong những ngày tới (từ ngày 9-13/10). Theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động rà soát phương án, sẵn sàng ứng phó với bão số 8 và mưa lũ sau bão, nhất là công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền trên biển./.