Bình Thuận ghi nhận thêm 26 ca nghi mắc Covid-19
Theo phóng viên Đoàn Sĩ/VOV-TP.HCM, sáng nay (22/7), Sở Y tế Bình Thuận cho biết, đã ghi nhận thêm 26 ca nghi mắc Covid-19. Tất cả đều phát hiện ở thị xã La Gi, trong đó có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 tại thị xã La Gi, sáng 22/7, UBND tỉnh Bình Thuận có văn bản về việc áp dụng các biện pháp quyết liệt để thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại thị xã La Gi. Theo đó, bằng mọi cách, trong vòng 7 ngày tới phải khống chế được dịch bệnh ở thị xã La Gi.
Để thực hiện được mục tiêu này, toàn bộ hệ thống chính trị phải cùng vào cuộc một cách quyết liệt, tổng lực rà soát, truy vết, xét nghiệm. Mục tiêu hàng đầu là phải tách các trường hợp F0 ra khỏi cộng đồng và cố gắng hoàn thành nhiệm vụ này trong 2 ngày tới. Bên cạnh đó kiểm soát những người có biểu hiện sốt, ho trong cộng đồng để xét nghiệm, cách ly y tế kịp thời, quyết tâm không để dịch bệnh lây lan sang các xã, phường khác.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng yêu cầu rà soát các cơ sở sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ lây nhiễm cao để thực hiện phong tỏa và yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
TP.HCM bắt đầu tiêm đại trà vaccine Covid-19 đợt 5
Phóng viên Kim Dung/VOV-TP.HCM cho biết, hôm nay (22/7), tại TP.Thủ Đức và các quận huyện trên địa bàn TP.HCM bắt đầu triển khai tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 đại trà đợt 5 cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên. Chiến dịch lần này diễn ra trong 2-3 tuần và có thể kéo dài tùy tình hình thực tế để đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch.
Có tên trong danh sách đối tượng ưu tiên được tiêm vaccine lần này, bà Ngô Thị Liên, 59 tuổi, ngụ Phường 12 quận Phú Nhuận, TP.HCM cho biết, gia đình bà có 2 người trên 65 tuổi là mẹ và người dì ruột nên rất lo lắng trong việc phòng chống dịch bệnh. Trong khi đó, bà cũng là gia đình khó khăn nên khi được tổ trưởng tổ dân phố đến nhà lập danh sách được tiêm vaccine ngừa Covid-19, bà rất vui. Chiều 22/7, điểm tiêm tại trường học Nguyễn Đình Chính trên địa bàn phường 12 sẽ bắt đầu tiêm cho các đối tượng trên địa bàn, trong đó có cả gia đình bà Liên.
"Tôi cảm thấy rất vui khi nằm trong diện ưu tiên, như vậy tôi sẽ được tiêm. Xin cảm ơn chính sách của Nhà nước, với tất cả bác sỹ, y tá", bà Liên chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên Đài Tiếng nói Việt Nam, một số địa phương vẫn chưa tổ chức tiêm trong hôm nay vì đang rà soát lại danh sách các đối tượng ưu tiên. Lãnh đạo một số trung tâm y tế quận, huyện cho biết lần tiêm này được chuẩn bị rất kỹ, công tác tổ chức đã có sẵn trong kế hoạch. Theo chỉ đạo của lãnh đạo TP, việc lựa chọn thời điểm, địa điểm do địa phương toàn quyền quyết định dựa trên nguyên tắc “chưa sẵn sàng thì chưa triển khai”.
Sáng 22/7, nhiều điểm tiêm dã chiến ở trường học đã sẵn sàng bàn ghế để buổi chiều tiêm cho người dân. Một số địa điểm như Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (Quận 11) đã thực hiện thí điểm tiêm từ chiều 21/7, đến sáng nay, việc tiêm vẫn tiếp tục theo quy định. Người dân đến xếp hàng đều nhận được tin nhắn hẹn giờ tiêm từ trước. Quy trình tiêm 1 chiều, người dân vào và ra 2 cửa khác nhau.
Còn tại các bệnh viện (trừ các bệnh viện tách đôi để điều trị Covid-19), cũng tiêm cho những người có bệnh nền như cao huyết áp, đái tháo đường, béo phì… và người trên 65 tuổi.
Bà Nguyễn Thu Loan, 47 tuổi, mắc bệnh cao huyết áp được tiêm tại Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cho biết: "Do bị cao huyết áp cho nên qua mấy đợt thì giờ cơ quan gọi tôi đến đây tiêm, thấy nhẹ nhàng và bình thường, huyết áp cũng ổn định nên đã được tiêm xong rồi. Các bạn đồng nghiệp tiêm trước tôi cũng chia sẻ cho tôi nhiều kinh nghiệm”.
Tiến sĩ – Bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan, Viện phó Viện Y dược học Dân tộc TP.HCM cho biết, rút kinh nghiệm đợt tiêm trước, mỗi điểm tiêm bố trí đến 5 bàn tiêm nên có thời điểm chỗ tiêm chủng tập trung hơn 100 người kể cả khâu khám sàng lọc và nghỉ ngơi 30 phút sau tiêm, khó đảm bảo giãn cách. Do vậy, lần này, quận Phú Nhuận đã chia nhỏ điểm tiêm ra, mỗi phường chỉ bố trí 2 bàn tiêm, mỗi giờ tiêm 12 người, dù hoạt động chậm hơn nhưng đảm bảo việc theo dõi sau tiêm và an toàn.
"Ở trong nhóm các đối tượng cộng đồng thì chúng tôi chuẩn bị 6 bàn tiêm, sẽ thực hiện đến khi nào đến hết lượng người, lượng vaccine thì ngưng. Ở đây chúng tôi hỗ trợ 2 bàn tiêm phường 10 và phường 8, còn 4 bàn tiêm hỗ trợ cho các phường khác. Thứ 2 là chúng tôi chuẩn bị 3 bàn tiêm trong bệnh viện", bác sĩ Trương Thị Ngọc Lan thông tin.
Theo kế hoạch, TP.HCM sẽ tiêm cho 15 nhóm đối tượng ưu tiên với 930.000 liều vaccine Covid-19. TP.Thủ Đức và các quận huyện có tổng cộng 615 điểm tiêm, 100 đội tiêm dự phòng, 100 xe cấp cứu được huy động. Vaccine sử dụng lần này gồm: AstraZeneca, Moderna và Pfizer.
Trước đó, để công tác tổ chức tiêm vaccine đợt 5 tại TP.HCM được thuận lợi, an toàn, kịp tiến độ, Sở Y tế TP đã gửi văn bản khẩn đến các đơn vị thực hiện. Theo đó, người mắc bệnh (thận mạn tính, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính), người có tình trạng béo phì, người trên 65 tuổi sẽ tiêm ở bệnh viện. Các đối tượng còn lại sẽ tiêm ở cộng đồng.
Các đội tiêm được bố trí theo đúng quy định (mỗi đội gồm 1 bác sĩ khám sàng lọc, 1 điều dưỡng thực hiện kỹ thuật tiêm, 1 bác sĩ và 11 điều dưỡng theo dõi sau tiêm, 1 nhân viên hành chính). Tất cả nhân sự chuyên môn phải được tập huấn về an toàn tiêm chủng. Các đội tiêm khi thực hiện nhiệm vụ phải tuân thủ phương tiện phòng hộ (áo choàng, khẩu trang N95, kính/mạng che mặt...).
Sở Y tế TPHCM cũng lưu ý các cơ sở tiêm chủng phải liên hệ phòng y tế, trung tâm y tế địa phương để biết địa điểm tiêm, chủ động liên hệ phòng y tế để bố trí số đội tiêm phù hợp với lượng người đến tiêm hằng ngày./