Theo TS. Nguyễn Văn Dũng, Viện phó Viện Sức khoẻ Tâm thần (BV Bạch Mai), ai cũng gặp stress trong cuộc sống hằng ngày. Trong đại dịch COVID-19 đã diễn ra tình trạng phong toả, cuộc sống bị “ngắt quãng”… thậm chí có tâm lý kỳ thị COVID-19, theo đó, đại dịch này chính là một sự sang chấn tâm lý.

Không chỉ gây tổn thương kinh tế xã hội, đại dịch còn khiến tâm lý con người bị tổn thương nhiều nhất, khi thiếu thốn “tiền ăn”, những thay đổi về cuộc sống, đặc biệt là chứng kiến mất mát người thân.Sau khi mắc COVID-19, cơ thể con người tiếp tục chịu thêm “sang chấn” khi chống chọi, phản ứng lại với virus. Sau khi Việt Nam chuyển sang chiến lược thích ứng linh hoạt, an toàn, phòng, chống dịch hiệu quả, số người bệnh tới khám và điều trị tại BV Bạch Mai tăng hơn 100%.

“BV Bạch Mai từ chỗ tiếp đón 800-1.100 bệnh nhân trong đại dịch COVID-19, đến nay, có ngày lên tới 8.000 bệnh nhân tới khám, đi kèm là 8.000 người nhà. Khi trở lại tiếp nhận khám, chữa bệnh, số lượng người bệnh tới các khoa tăng đáng kể, tăng đến hơn 100%. Các nhóm bệnh nhân tổn thương tâm lý và tổn thương giấc ngủ cũng xuất hiện nhiều”, TS Nguyễn Văn Dũng thông tin.

Trong đó, số lượng bệnh nhân tới khám, điều trị rối loạn giấc ngủ so với thời kỳ trước đại dịch COVID-19 đã tăng 700%.

“Rối loạn giấc ngủ không chỉ gặp ở bệnh nhân tâm thần, mà còn ở tất cả chúng ta. Khi các triệu chứng làm gián đoạn sinh hoạt đời thường thì được gọi là rối loạn giấc ngủ. Hiện nay, các nhà nghiên cứu đã có những tiêu chuẩn mở rộng hơn khi chẩn đoán rối loạn giấc ngủ, theo đó, bao gồm những phàn nàn về giấc ngủ. Tại BV Bạch Mai, trong thời gian vừa qua tỷ lệ bệnh nhân tới khám và điều trị rối loạn giấc ngủ đã tăng 700% so với thời kỳ trước COVID-19. Cụ thể, phòng khám lâm sàng trước đây tiếp nhận từ 30-50 bệnh nhân thì hiện tại đã tăng lên hàng trăm bệnh nhân. Người bệnh chủ yếu phàn nàn về rối loạn giấc ngủ sau COVID-19”, TS Dũng cho biết thêm.

Các chuyên gia lý giải, người bệnh có triệu chứng rối loạn và có phàn nàn về giấc ngủ sau khi mắc COVID-19 đều rất lo lắng và liên quan đến các biểu hiện của rối loạn cảm xúc. 

Do đó, giải pháp đầu tiên là mở rộng kiến thức cho người dân về “vệ sinh giấc ngủ” và nâng cao thể trạng để đề phòng biến chứng, các triệu chứng rối loạn giấc ngủ. Đồng thời, người dân phải đi khám và điều trị ngay lập tức để tránh hiện tượng sử dụng các loại thuốc không đúng chuyên khoa, khiến tình trạng trầm trọng hơn.

Khi mắc rối loạn giấc ngủ, người bệnh không chỉ cần điều trị hoá dược mà còn phải kết hợp với luyện tập, trị liệu tâm lý, cũng như các hoạt động tái thích ứng với cộng đồng xã hội. Đặc biệt, với người bệnh từng mắc COVID-19, thì virus không chỉ tác động tới một cơ quan mà còn làm suy đa phủ tạng, làm thay đổi toàn diện cơ thể. Do vậy, cần phải đảm bảo đủ lượng vitamin và kalo hằng ngày của bệnh nhân.

Viện phó Viện Sức khoẻ Tâm thần nhấn mạnh, khuyến cáo cần thiết với tất cả người từng mắc COVID-19 là luyện tập, đặc biệt là tập thở, bù đủ nước điện giải và điều chỉnh các loại thuốc bình thần giảm lo âu, thuốc điều chỉnh cảm xúc như thuốc trầm cảm./.