Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa có buổi làm việc với UBND TP. Hà Nội về việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) dịp Tết nguyên đán và công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y và thuốc bảo vệ thực vật tại Hà Nội. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cho rằng, vấn đề VSATTP vốn đã bức xúc, nay càng trở nên bức xúc hơn, nhất là khi TP. Hà Nội mở rộng.
Thiếu kho, thiếu tiền = không dám bắt
Bà Nguyễn Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: Do nhu cầu thực phẩm trong dịp Tết nguyên đán rất lớn, nên ngay từ 15/10, Sở Công thương đã giao kế hoạch cho 120 doanh nghiệp thương mại trên địa bàn chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu.
Lượng thực phẩm trên địa bàn thành phố trong dịp Tết rất lớn: thịt gia súc trong tháng Tết là 13.000 tấn (bình thường 10.000 tấn/tháng); thịt trâu, bò 3.000 tấn (bình thường 2.000 tấn/tháng); thịt gia cầm 4.000 tấn (bình thường 3.000 tấn); rau, củ quả là 800 nghìn tấn rau (bình thường 200.000 tấn/tháng); các mặt hàng thương phẩm chế biến, khoảng 5.000 tấn; bánh, mứt kẹo khoảng 1.200 tấn; rượu, bia, nước giải khát khoảng 7-8 triệu lít.
Với lượng hàng hóa lớn như vậy, công tác kiểm tra, đảm bảo VSATTP đang đặt ra rất bức thiết. Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Hiện nay, thịt nhiễm khuẩn rất cao vì lò mổ tập trung ít trong khi việc giết mổ gia súc, gia cầm tự do lại phổ biến.
Đặc biệt, trong dịp Tết, người dân thường có thói quen phải tận mắt nhìn thấy giết mổ gà để cúng thì mới yên tâm. Đây là thói quen khó sửa, nhưng kèm với đó là nỗi lo về VSATTP. Theo bà Mai, nhức nhối nhất là tình trạng mất VSATTP ở các lò mổ tự do ở Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) và ở Trung Văn (Phùng Khoang, quận Thanh Xuân). “Đầu năm 2008, Chủ tịch UBND TP. Nguyễn Thế Thảo đã đi kiểm tra các lò mổ tự do ở các quận nội thành. Ngay khi trở về, ông đã ra văn bản “đóng cửa” ngay các lò mổ ở Tứ Liên, quận Tây Hồ vì quá mất vệ sinh” – bà Mai nói.
Trong khi đó, dù TP. Hà Nội đã hỗ trợ hết mức cho các dự án giết mổ gia súc, gia cầm tập trung (cho vay 70% vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị với lãi suất 0,3%; hỗ trợ 100% kinh phí xử lý nước thải, môi trường), nhưng đến nay có rất ít người dám đầu tư. Những dự án đã đầu tư từ những năm trước hiện đang rơi vào thua lỗ nặng do không cạnh tranh được với giết mổ tự do ở các chợ tạm, chợ cóc, thậm chí ngay cả ở vỉa hè.
Đáng lưu ý hơn, do hiện nay TP. Hà Nội không có kho để chứa hàng thực phẩm tươi sống vi phạm VSATTP trong khi chờ kết quả kiểm tra, xét nghiệm, nên lực lượng chức năng rất lo lắng mỗi khi bắt giữ.
Trung tá Hà Thế Hùng, Đội trưởng Đội chống vi phạm sở hữu trí tuệ (Công an TP. Hà Nội) cho biết: Cách đây 2 năm, đội đã phát hiện ra 6 tấn giò, chả có hàn the, nhưng để chờ có kết quả xét nghiệm thì đội đã phải thuê kho lạnh của một doanh nghiệp, riêng đóng tiền điện đã mất 124 triệu đồng, đến nay vẫn chưa có nguồn để chi trả cho doanh nghiệp. “Mỗi khi doanh nghiệp đến đòi, chúng tôi rất ngại. Vì thế, những năm sau, dù có phát hiện ra giò, chả có hàn the thì không có ai dám bắt nữa” – ông Hùng nói.
Nên ngăn ngừa từ xa
Một trong những nguy cơ gây mất VSATTP cho TP. Hà Nội là nguồn thực phẩm đến từ các địa phương khác, thậm chí là hàng nhập lậu từ các nước láng giềng về.
“Từ tháng 11 đến nay, Sở Công thương đã kiểm tra 65 vụ việc, xử phạt được 145 triệu đồng; tịch thu hàng hóa vi phạm trị giá 280 triệu đồng. Hàng hóa tịch thu chủ yếu là bim bim, kẹo bánh, mứt, ô mai và hoa quả ngâm, tẩm hóa chất. Đây là điều rất đáng lo ngại” - Bà Nguyễn Như Mai, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội |
Cục trưởng Thú y Bùi Quang Anh cho biết: Hiện nay, bò sống của Thái Lan đang được nhập lậu qua Lào vào các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh rất nhiều và được chuyển đi rất nhiều nơi. Ngay tại khu vực Đền Lừ (quận Hoàng Mai), tôi đã thấy xuất hiện con bò trắng lạ. “Như vậy, rõ ràng trên địa bàn Hà Nội đã có bò nhậu lậu từ Thái Lan rồi” – ông Anh Khẳng định. Đáng lưu ý là, qua kiểm tra, Cục Thú ý đã phát hiện vi rút gây bệnh ở bò nhập lậu.
Trong khi đó, đại diện Bộ Y tế cho biết: Ngay tại chợ Đồng Xuân, nhiều hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc đang được bày bán tràn lan. Khả năng những chất này sẽ được cho vào thực phẩm trong dịp Tết. Vì thế, để đảm bảo VSATTP, TP. Hà Nội nên chủ động điều lực lượng lên các tỉnh biên giới cùng kiểm soát hàng lậu, nhằm ngăn ngừa những mặt hàng lương thực, thực phẩm kém chất lượng được “tuồn” từ biên giới và các địa phương khác vào địa bàn Hà Nội. Nếu không, nguồn thực phẩm kém chất lượng sẽ được đưa vào Hà Nội khi nhu cầu tiêu dùng của người dân gia tăng trong dịp Tết nguyên đán./.