Thông tin từ Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết: Liên quan đến tranh chấp lao động tại Algeria, ngay sau khi nhận được phản ánh về vụ việc, ngày 25/9, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ đạo công ty Simco Sông Đà kiểm tra, xác minh và cử ngay cán bộ sang Algeria giải quyết vụ việc; yêu cầu chủ sử dụng lao động (Công ty Đông Nhất Giang Tô) chữa trị kịp thời cho lao động bị thương và đảm bảo điều kiện ăn uống cho tất cả lao động; làm việc với chủ sử dụng và người lao động thống nhất mức lương khoán phù hợp, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết.

lao_dong_vn_mbfv.jpg
Nhóm lao động VN đầu tiên từ Algeria về tới sân bay Nội Bài (Hà Nội) hôm 17/11 (Ảnh: Dân trí)

Bộ lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Ngoại giao và các cơ quan chức năng đã tích cực cùng vào cuộc xử lý vụ việc, bản thân Công ty Simco Sông Đà cũng đã tích cực giải quyết. Lãnh đạo công ty Simco Sông Đà đã cùng cán bộ Đại sứ quán gặp gỡ và thuyết phục lao động tiếp tục làm việc hoặc chuyển sang dự án khác để làm việc với định mức lương khoán mới.

Tuy nhiên, sau nhiều lần trao đổi, thuyết phục, chỉ có một số lao động muốn ở lại tiếp tục làm việc theo mức khoán mới với sự thỏa thuận của 3 bên (chủ sử dụng, công ty Simco và người lao động), phần lớn lao động có nguyện vọng về nước. Do không muốn lao động chấm dứt hợp đồng về nước trước hạn ảnh hưởng đến tiến độ dự án, chủ sử dụng lao động yêu cầu số lao động muốn về nước trước hạn phải bồi thường với mức cao (4.000 USD/người).

Trước tình hình đó, ngày 23/10, Cục Quản lý lao động ngoài nước có văn bản yêu cầu Công ty Simco Sông đà khẩn trương đàm phán với đối tác để giải quyết dứt điểm vấn đề bồi thường hợp đồng với chủ sử dụng lao động, hoàn tất các thủ tục về nước đối với những lao động muốn về và ký lại hợp đồng với số lao động ở lại làm việc.

Ngày 26/10, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng có văn bản gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Algeria đề nghị can thiệp với các cơ quan chức năng Algeria để lao động ta được về nước nhanh chóng, an toàn và giảm thiểu chi phí bồi thường hợp đồng.

Đến ngày 29/10, Công ty Simco Sông Đà đã thống nhất được với chủ sử dụng lao động phương án giải quyết. Theo đó: chủ sử dụng lao động, người lao động và Công ty Simco Sông Đà ký phụ lục hợp đồng với định mức khoán mới đã được thống nhất để 7 lao động có nguyện vọng được tiếp tục ở lại làm việc (Công ty Simco Sông Đà hỗ trợ thêm 500 USD/người cho những lao động này).

Mức bồi thường hợp đồng cho chủ sử dụng lao động đối với số lao động có nguyện vọng về nước là 1.700 USD/người, Công ty Simco Sông Đà sẽ ứng tiền để bồi thường hợp đồng cho chủ sử dụng và chi phí mua vé máy bay cho số lao động có nguyện vọng về nước.

Thực hiện phương án trên, ngày 17/11, nhóm 13 lao động đầu tiên đã về tới Việt Nam, nhóm 18 lao động tiếp theo về tới Việt Nam vào chiều ngày 21/11, số lao động còn lại theo kế hoạch sẽ về vào ngày 25/11.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo Công ty Simco Sông Đà tiếp tục theo dõi sát tình hình những lao động còn lại đang chờ về nước và số lao động ở lại làm việc tại Algeria; đồng thời, căn cứ vào các quy định của pháp luật, hợp đồng ký giữa công ty và người lao động khẩn trương đề xuất phương án thanh lý hợp đồng với lao động, đảm bảo quyền lợi cũng như nghĩa vụ pháp lý của các bên./.