Hôm nay (7/3) tại Hà Nội, Đại sứ quán Vương quốc Anh và Bắc Ireland phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tổ chức hội nghị cấp cao nhằm thảo luận về các xu hướng thay đổi toàn cầu và phương thức phát triển chiến lược dạy nghề tại Việt Nam đáp ứng được các yêu cầu của thị trường lao động.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cùng Huân tước David Puttnam, Đặc phái viên của Thủ tướng Anh về Thương mại và Văn hóa tại Việt Nam đồng khai mạc hội nghị. Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền tham gia đồng chủ trì Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị |
Tại hội nghị, các chuyên gia nhấn mạnh, thế giới đang thay đổi rất nhanh. Đến năm 2030, chúng ta sẽ cần thêm 50% năng lượng, 40% nước và 35% lương thực. Dân số trên thế giới đang già đi nhanh chóng với gần xấp xỉ 2/3 trong số họ trên 65 tuổi và ngày càng nhiều người chuyển ra sống tại các thành phố. Các nền kinh tế lớn nhất trong tương lai sẽ không như hiện tại.
Việt Nam đang bước vào một kỷ nguyên mới của hội nhập quốc tế thông qua sự hình thành của Cộng đồng ASEAN và các Hiệp định tự do thương mại thế hệ mới như Hiệp định xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định Việt Nam – EU. Có được các kỹ năng phù hợp, có nghĩa là Việt Nam sẽ đáp ứng tốt và hưởng lợi từ việc phát triển và sẽ là nơi hấp dẫn cho các doanh nghiệp từ khắp nơi trên thế giới đến đầu tư.
Với việc coi đổi mới giáo dục và dạy nghề là mục tiêu quan trọng của Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm giai đoạn 2011 – 2020 của Chính phủ, hiển nhiên là việc cải tiến chất lượng lực lượng lao động sẽ là mấu chốt để tiếp tục hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển bền vững tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Dù đã thoát khỏi tình trạng là một nước nghèo, nhưng nhiều nơi ở Việt Nam vẫn còn rất khó khăn, trong khi có nhiều nước trước đây khó khăn hơn Việt Nam nhưng đã vươn lên trở thành nước giàu. Lực lượng lao động của Việt Nam còn nhiều hạn chế.
Đại biểu quốc tế tham gia diễn đàn |
Theo Phó Thủ tướng, có rất nhiều vấn đề cần giải quyết, không đơn thuần chỉ là phương pháp dạy, phương pháp học, cơ sở vật chất, máy móc trang thiết bị. Cần tiếp tục nghiên cứu các chính sách về sử dụng, đãi ngộ lao động, thu hút đầu tư vào giáo dục và dạy nghề, cải thiện mối quan hệ giữa người đào tạo và người sử dụng lao động...
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, muốn phát triển, tăng năng suất lao động, cần rất nhiều việc phải làm, trong đó việc vô cùng quan trọng là chất lượng giáo dục và đào tạo phải nâng lên. Việc hình thành Cộng đồng ASEAN, tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới là những cơ hội quý giá cần được tận dụng để đào tạo nghề của Việt Nam vượt qua những thách thức trong phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của doanh nghiệp trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ./.