LTS:Ngày 26/01/2011, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 63 huyện nghèo tại Quyết định số 170/QĐ-TTg (trong loạt bài gọi tắt là Dự án 600 Phó chủ tịch xã).

Dự án đã nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận, đặc biệt là thế hệ trẻ. Có thể nói đây là bước đột phá trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, thể hiện sự tin tưởng, bố trí và sử dụng đối với trí thức trẻ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý. Sau khi tuyển chọn, đến tháng 10/2012, đã có 580 trí thức trẻ được chọn đến các xã vùng cao để làm Phó chủ tịch xã.

Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, 580 đội viên bước đầu đã hoàn thành nhiệm vụ được giao, đáp ứng yêu cầu, trong đó có nhiều đội viên được đánh giá là hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ. Có được kết quả bước đầu như vậy, ngoài sự nỗ lực phấn đấu của các đội viên, có sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các đội viên cũng không ít khó khăn. Sau gần 2 năm trải nghiệm, các Phó Chủ tịch xã trẻ đã trải qua những khó khăn như thế nào? Liệu thời gian 5 năm có đủ để các bạn có vượt qua thử thách và hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình?

Đảng, Nhà nước cũng như chính quyền sở tại sẽ có sự quan tâm, hỗ trợ như thế nào đối với các đội viên trong suốt 5 năm tham gia Dự án, cũng như sau khi họ đã hoàn thành nhiệm vụ?

VOV online xin giới thiệu loạt bài: “580 trí thức trẻ và hành trình đến vùng đất mới”:

Bài 1: Theo chân Phó chủ tịch xã trẻ về nơi gian khó

Bài 2: Sức trẻ và bầu nhiệt huyết: Vẫn chưa đủ!

Bài 3: Đồng hành với trí thức trẻ

Bài 4: Thủ tướng Chính phủ: Dự án 600-mô hình cần nhân rộng

Bài 1: Theo chân Phó chủ tịch xã trẻ về nơi gian khó

Một ngày cận Tết Giáp ngọ, tôi nhận được điện thoại của Lê Văn Thiện, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Chinh, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Trong câu chuyện liên tục bị ngắt quãng do mất sóng điện thoại, Thiện hồ hởi khoe: “6 hécta mía thí điểm của em đã thành công rồi anh ạ, cho thu hoạch trên 80 tấn/1 hécta. Nhà máy đường Lam Sơn đã về thu mua hết và đánh giá tỷ lệ đường rất khả quan, từ 10 đến 12%. Những năm trước, tỷ lệ đường cao nhất cũng chỉ đạt 7 đến 8% thôi”. Tôi chúc mừng Thiện và dâng trào cảm xúc vui sướng, bởi chúng tôi đã quá gần gũi và hiểu Thiện, một đội viên thuộc “Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân xã” từ những ngày đầu tiên Thiện đặt chân tới mảnh đất Xuân Chinh, là xã đặc biệt khó khăn của một huyện miền núi nghèo xứ Thanh.

Vậy là đất không phụ công người. Chúng tôi đã cùng Thiện “nín thở” mong chờ giây phút những mảnh đồi bạt ngàn mía, vốn trước kia trơ trọi sỏi đá, bước đầu đem lại thành quả kinh tế cho địa phương, giúp bà con vững bước trên con đường xóa đói, giảm nghèo. Thành quả đó cũng đã chứng minh được điều mà chàng Phó chủ tịch xã trẻ tuổi luôn tâm niệm và lấy làm kim chỉ nam cho hành động cho mình: “Bàn tay ta làm nên tất cả. Có sức người sỏi đá cũng thành cơm”.

thien4.jpg
Phó chủ tịch xã Xuân Chinh Lê Văn Thiện hướng dẫn người dân chăm sóc mía trồng theo dự án (ảnh chụp tháng 9/2013)

Đem mồ hôi, tiền của, uy tín “đánh cược” với trời

Tốt nghiệp Đại học Hồng Đức, chuyên ngành Lịch sử, tưởng rằng sẽ nối nghiệp cha trở thành thầy giáo, song Lê Văn Thiện lại tình nguyện đăng ký tham gia dự tuyển vào Dự án 600 Phó chủ tịch xã. Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo ở huyện Thường Xuân, chàng trai trẻ Lê Văn Thiện luôn nung nấu làm điều gì đó có ích ngay trên quê mình, bởi cái nghèo luôn đeo bám bà con nơi đây. Trúng tuyển và được phân công về Xuân Chinh, cách nhà 35km, Thiện thấy mình là người may mắn và muốn nhanh chóng xắn tay vào công việc.

Làm Phó chủ tịch một xã có tỷ lệ hộ nghèo lên tới 62,25%, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông – lâm nghiệp manh mún, lạc hậu, Thiện xác định phải chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi mang tính bền vững, phù hợp với đặc điểm của địa phương. Nhìn những quả đồi trơ trọi, những thửa đất bỏ hoang ven suối, Thiện cảm thấy xót xa và trong đầu chợt nghĩ: “Tại sao không biến chúng thành những vựa mía như ở xã Lương Sơn quê mình?”. Bà con Xuân Chinh cũng trồng mía, tại sao cây mía ở đây khẳng khiu như cỏ lau, trong khi rất tự phát, không theo quy hoạch và kỹ thuật gì cả.

Thế là đề án “Trồng mía nguyên liệu tại xã Xuân Chinh” ra đời và nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo xã. Chàng Phó chủ tịch xã mới chân ướt chân ráo về đây đã lặn lội nửa ngày đường lên gặp ông Lê Văn Thanh, Tổng Giám đốc Nhà máy đường Lam Sơn xin ý kiến và nhờ tư vấn. Sau khi nghiên cứu kỹ đề án, xét thấy khả thi, vị Tổng Giám đốc hoàn toàn ủng hộ, tuy nhiên khẳng định Nhà máy không đầu tư vốn mà chỉ tạo điều kiện cho nợ tiền phân bón và nếu mía cho tỷ lệ đường cao thì mới bao tiêu sản phẩm.

“Thở phào” được khâu phân bón, song trước mắt Thiện còn muôn vàn khó khăn, đó là làm sao để cải tạo những mảnh đất “chó ăn đá, gà ăn sỏi” kia thành đất màu mỡ để ngọn mía có thể sinh trưởng, phát triển; trong khi người dân thì không có vốn, nặng thói quen ỷ lại vào đầu tư của Chính phủ, “ngại” làm những gì mới mẻ, rồi kinh phí sẽ từ đâu ra?...

Lê Văn Thiện tới thăm bà con dân tộc Thái trong xã

Bao đêm vắt óc suy nghĩ, Thiện đã bàn với vợ - Vũ Thị Chiến, cũng là đội viên đang làm Phó chủ tịch xã Giao Thiện (Lang Chánh, Thanh Hóa) đem hết số vốn liếng gia đình hai bên mừng cưới, cùng với số tiền ứng trước lương, phụ cấp trích từ nguồn ngân sách xã chi cho đội viên Dự án – tất cả được hơn 50 triệu đồng, để thực hiện đề án của mình. Cũng là một đội viên, hiểu chồng nên vợ Thiện hoàn toàn tán thành. Bố mẹ Thiện hay tin cũng gật đầu “bán chịu” 6 tấn ngọn mía giống cao sản của gia đình lấy vốn cho con. Chàng Phó chủ tịch xã huy động thêm anh em, bạn bè mang máy móc từ xã nhà sang Xuân Chinh để ủi đất. Tiền dầu, tiền công, thuê xe… Thiện cũng phải rành mạch phần nào trả trước, phần nào trả muộn, kể cả lãi suất... Thiện xác định, không có việc gì khó, muốn làm được phải mạo hiểm, chấp nhận rủi ro, bởi đó chính là thước đo lòng nhiệt huyết và bản lĩnh của tuổi trẻ, đặc biệt với những cán bộ trẻ như Thiện.

Thế nhưng, cái khó mà Thiện gặp phải chính là lay chuyển được tư tưởng của người dân để họ ủng hộ và tham gia trồng mía. Để thay đổi được thói quen, tập quán của bà con, Thiện không thể làm trong ngày một ngày hai. Trong một lần theo chân Thiện đi vận động bà con, chúng tôi đọc được sự nghi hoặc của bà con người Thái nơi đây. Thường thì Thiện nhận được những câu trả lời như: “chẳng biết có được gì không mà làm”, “để người ta làm trước đi, có ăn tôi mới làm”, “chẳng có tiền làm sao được”. Có người đồng ý nhưng nói “Nhà nước phải cho tiền mới làm”.

Thiện nhỏ nhẹ phân tích để bà con hiểu rằng chẳng bao giờ bỗng dưng bà con mình thoát được nghèo, có của ăn của để cả, mà phải cùng nhau sản xuất, cùng nhau làm giàu. Thiện tâm niệm, điều quan trọng là phải gắn trách nhiệm của người dân với cây trồng, để không còn tư tưởng trông chờ từ nguồn vốn của Chính phủ nữa. Thiện thuê xe đưa bà con lên những vùng nguyên liệu mía trong huyện, để bà con mắt thấy tai nghe về hiệu quả của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Thiện chia sẻ, mình không “lừa” dân, nhưng để dân tin thì phải có cách tiếp cận khéo léo. Người dân vốn thật thà, nhưng để áp dụng cái mới, họ phải nhìn thấy kết quả mới tin. Thiện vẫn nói với bà con rằng: “Cháu hứa với bác, nếu bác làm đúng như cháu làm và chỉ dẫn, thì chắc chắn cây mía sẽ cho năng suất cao”.

Chỉ tay tới những khu đất vốn lâu nay bỏ hoang, Thiện cho biết sẽ cùng bà con cải tạo để trồng mía cao sản

Lần gần đây nhất chúng tôi trở lại Xuân Chinh khi cây mía trong đề án thí điểm đã cao quá đầu người. Nhìn đồi mía lên xanh tốt vươn dài, gương mặt vị Phó chủ tịch xã trẻ tuổi như giãn ra với ánh mắt đầy kỳ vọng. Vợ chồng ông bà Cầm Thị Liên, Cầm Bá Xín, người chúng tôi đã gặp trước đó trong một lần cùng Thiện đi vận động trồng mía, cười tươi: “Chưa biết cho thu hoạch thế nào đâu, nhưng ai đi qua cũng khen mía đẹp quá cán bộ à. Trước kia đất cứ bỏ hoang thôi. Thiện nó bảo những mảnh đất ven suối mai kia cũng phải đem cải tạo để trồng mía đấy, nếu được và cho thu hoạch thì bà con sẵn sàng mà”.

Không dừng lại ở cây mía, người đội viên trẻ Lê Văn Thiện đang gây dựng mô hình nuôi ong mật tại Xuân Chinh. Thiện liên hệ với Phòng Nông nghiệp huyện và trình cấp trên phê duyệt đề án “Thí điểm mô hình nuôi ong mật tại hai thôn: thôn Chinh và thôn Thông”. Trên thực tế, mô hình nuôi ong của Thiện đã thành công tại gia đình mình và được triển khai tại gia đình Chủ tịch và Bí thư xã Xuân Chinh. Ông Cầm Bá Nhang, Chủ tịch UBND xã Xuân Chinh cho biết, xã rất ủng hộ đề án nuôi ong của Lê Văn Thiện, song muốn thành công thì cán bộ xã phải làm trước để dân thấy và làm theo.

Trong câu chuyện đầu năm với chúng tôi, Thiện vui vẻ khoe: “Bây giờ là mùa Xuân, khu vực miền núi nhiều hoa nên rất thuận lợi để phát triển đàn ong anh ạ. Năm nay em phấn đấu gây dựng cho 10 đến 15 hộ dân, mỗi nhà vài chục tổ. Em dự định sẽ thành lập hợp tác xã nuôi ong ở địa phương, vì nuôi ong không tốn kém mà lại cho giá trị kinh tế cao”.

Mô hình nuôi ong mật đã rất thành công ở gia đình Lê Văn Thiện. Trong ảnh, ông Lê Công Trình, bổ đẻ của Thiện với những tổ ong mật đã cho thu hoạch

Từ cây mía, con ong đến… dẹp “vàng tặc”

Trong khi thời điểm năm 2013 trở về trước, Xuân Chinh là “điểm nóng” về nạn khai thác vàng trái phép. Nhìn quả đồi Pù Lè bị đào xới, đồng ruộng bị vùi lấp, với vai trò là Phó chủ tịch xã phụ trách tài nguyên - môi trường, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, Thiện xác định phải cùng các lực lượng chức năng địa phương kiên quyết xử lý tình trạng này. Ngày đầu tiên xuống nắm tình hình, cũng là thử thách khiến Thiện khó quên. Khi Thiện nhắc nhở và yêu cầu cho kiểm tra giấy tờ, một chủ lò khai thác đã khéo léo đưa một xấp tiền cho Thiện với mong muốn được đổi bằng sự lỏng lẻo của chính quyền. Vị chủ lò nói rằng: “Anh chỉ khai thác cát thôi, anh bồi dưỡng em chút tiền để mua quà cho gia đình. Anh biếu em chiếc điện thoại và phí cả năm nhé!”.

“Bản thân em luôn nghiêm túc trong công việc và luôn làm đúng pháp luật. Số tiền đó rất lớn đối với em, nhưng chưa bao giờ em để mình rơi vào cạm bẫy và bản thân luôn tự hào là đội viên Dự án” – Thiện trải lòng khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện này. Sau đó, được sự ủng hộ vào cuộc quyết liệt từ huyện, tỉnh và các cơ quan hữu quan, đến nay nạn khai thác vàng trái phép ở Xuân Chinh đã hoàn toàn được dẹp bỏ, trả lại sự bình yên cho những vùng đồi. 

Ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân tự hào khi kể về những việc Thiện làm cho xã nhà

Công việc mang tính mạo hiểm là vậy, nhưng Thiện sẵn sàng lên đường bất kỳ khi nào có chỉ thị từ cấp trên hay điện báo của người dân. Trao đổi với chúng tôi, ông Cầm Bá Xuân, Chủ tịch UBND huyện Thường Xuân rất tự hào về Thiện và khẳng định “Thiện làm được rất nhiều việc cho địa phương và huyện rất tin tưởng ở những cán bộ trẻ như Thiện”.

Ông Xuân kể, một lần ông được Thiện xin ý kiến xử lý một vụ vận chuyển gỗ lậu qua Xuân Chinh vào lúc rạng sáng. Ông đã chỉ đạo các lực lượng chức năng huyện phối hợp cùng với cán bộ xã Xuân Chinh ngăn chặn, bắt và xử lý nghiêm. “Thiện là người cầu tiến, thường xuyên xin ý kiến từ cấp trên. Tôi chỉ sợ Thiện “xa cách” mình, không gọi thôi, chứ lãnh đạo huyện luôn sẵn sàng lắng nghe và sát cánh cùng những cán bộ trẻ như Thiện”, ông Xuân cười.

Nhà giáo Lê Công Trình, hơn 80 tuổi, cha đẻ của Thiện nói rằng, hầu như Thiện không có ngày thứ Bảy, Chủ nhật, những bữa cơm gia đình có mặt Thiện cũng rất thưa thớt. Song ông và các thành viên gia đình hết lòng ủng hộ Thiện để anh hoàn thành nhiệm vụ. Bản thân Thiện xác định, đã là đội viên trong Dự án 600, ai cũng có những khó khăn nhất định, nhưng khó khăn ở cơ sở chính là phép thử trí tuệ, nhiệt huyết và sức trẻ của những đội viên Dự án.

Giờ đây, Lê Văn Thiện đã coi Xuân Chinh là quê hương thứ hai của mình. Thiện bộc bạch với chúng tôi: “Tất cả những việc em làm đều là tâm huyết, lòng yêu nghề, sự say mê, muốn sang sức trẻ, mang luồng gió mới trên quê hương mới và sự mong mỏi của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đóng góp vào sự thay đổi trên quê hương thứ hai của em”./.

Phó chủ tịch xã trẻ tuổi Lê Văn Thiện là một trong những điển hình cho sự thành công bước đầu của Dự án 600 trí thức trẻ. Để thực hiện được đề án tại địa phương, các đội viên đã gặp muôn vàn khó khăn, từ vốn, kinh nghiệm cũng như sự vào cuộc của chính quyền địa phương và người dân. Bên cạnh những đề án đã được triển khai và bước đầu mang lại hiệu quả, nhiều đề án của các đội viên vẫn còn nằm trên giấy. Điều này tác động không nhỏ đến tư tưởng của các Phó chủ tịch xã trẻ tuổi khi những hoài bão, ước mơ ấp ủ từ lâu chưa thể biến thành hiện thực, trong khi Dự án đã đi được gần nửa chặng đường. Để tìm hiểu tâm tư của các Phó chủ tịch xã, cũng như vướng mắc cần tháo gỡ đối với những đề án dang dở này, mời độc giả đón xem Bài 2 với nhan đề: “Sức trẻ và nhiệt huyết: Vẫn chưa đủ!”.