Sau hơn 3 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Quảng Ngãi đã góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục triển khai các giải pháp khắc phục khó khăn, huy động mọi nguồn lực, tập trung đầu tư 17 xã đạt tiêu chí xã nông thôn mới.

nong_thon_moi_epcc.jpg
Lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Ngãi tham gia giúp dân xây dựng nông thôn mới

Tuyến đường bê tông khang trang dài hơn 800 m từ thôn Bàng Nam, xã Hành Minh, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi đi Tỉnh lộ 624 vừa hoàn thành, đưa vào sử dụng trong niềm phấn khởi của người dân địa phương. Ông Lê Văn Khái cho hay: Ngoài 1 tỷ đồng hỗ trợ của nhà nước theo Chương trình xây dựng nông thôn mới, người dân trong thôn đã tự nguyện hiến đất, tháo dỡ công trình, vật kiến trúc, góp công... trị giá hơn 200 triệu đồng mở con đường này.

Huyện Nghĩa Hành là một trong những địa phương được tỉnh Quảng Ngãi chọn làm điểm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2010-2015. Trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn hạn chế, địa phương này đã phát động phong trào thi đua được người dân đồng tình hưởng ứng. Ông Thiều Quang Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, phát động, các hội, đoàn thể cũng tạo nên phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ, hội viên và người dân cùng chung sức xây dựng nông thôn mới:

Mặc dù đã huy động mọi nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ nhưng tại nhiều địa phương, việc huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra, đặc biệt là các địa phương miền núi. Đến nay, tỉnh Quảng Ngãi mới có 1 xã đạt 18/19 tiêu chí, 39 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 52 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, còn lại 72 xã đạt từ 0 đến 4 tiêu chí.

Theo ông Phạm Viết Nho, Bí thư Huyện uỷ Ba Tơ, địa phương này nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, là vùng an toàn khu, được ưu đãi 100% vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn đầu tư ít nên chủ trương của tỉnh chỉ ưu tiên cho một số xã điểm đồng bằng, còn miền núi thì hầu như chưa được tập trung. Ông Nho nói: “Miền núi rất khó khăn, nhất là về vốn. Nếu như huy động sức dân không thể được như đồng bằng. Đề nghị nhà nước, tỉnh nên quan tâm có những cơ chế, chính sách hợp lý, ưu tiên cho những khu vực miền núi”.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết:  Năm nay, Trung ương chỉ hỗ trợ tỉnh hơn 100 tỷ đồng, trong khi đó ngân sách địa phương cũng chỉ bố trí được khoảng 20 tỷ. Nguồn vốn này không đủ để 94 xã của tỉnh đạt được các tiêu chí xây dựng nông thôn mới theo mục tiêu đã đề ra.

Theo ông Thọ, đây là vấn đề mâu thuẫn. Bởi vì, nếu như nguồn vốn chỉ tập trung cho một số xã điểm thì còn lại các xã khác trong số 164 xã xây dựng nông thôn mới của tỉnh sẽ gặp khó khăn. Do vậy, việc xây dựng phát triển nông thôn mới sẽ không đồng đều

Để đạt được mục tiêu, 17/164 xã đạt trên 12 tiêu chí xã nông thôn mới trong năm 2015, tỉnh Quảng Ngãi tập trung nguồn lực đầu tư cho các xã điểm. Đối với các địa phương còn lại, tỉnh lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác để tạo sự đồng đều trong xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, các địa phương cũng sẽ  đẩy mạnh thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”, tạo tiền đề xây dựng nông thôn mới./.