Nếu vụ JTC được xác minh và chính xác như thông tin báo chí đã nêu thì thời gian qua hai vụ án tham nhũng đình đám liên quan đến nguồn vốn ODA của Nhật Bản đều được phát hiện từ tài liệu do phía Nhật Bản cung cấp.

duong%20sat%20tren%20cao%20ha%20noi.jpg
Một dự án sử dụng vốn ODA của Nhật Bản (ảnh Internet)

Thực tế, Việt Nam có hẳn một cơ quan Thanh tra và nội bộ các đơn vị cũng có thanh tra ngành để giám sát các hoạt động của cơ quan, đơn vị mình. Thế nhưng tại sao những vụ việc “động trời” vừa qua lại không phải do thanh tra phát hiện ra mà lại do báo chí hay phía nước ngoài phanh phui, cung cấp thông tin?

Cụ thể, tại nghi án nhận hối lộ từ JTC, Bộ Giao thông-Vận tải cho biết tiếp nhận thông tin này từ các đồng nghiệp của tổ chức JICA Nhật Bản và từ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam vào cuối tuần vừa rồi.

Ở Việt Nam cả hệ thống chính trị đã vào cuộc chống tham nhũng. Chúng ta đã có một bộ luật về phòng chống tham nhũng cộng với hệ thống cơ quan tham tra, giám sát được tổ chức từ trung ương đến cơ sở. Thế nhưng, bản thân lãnh đạo các cơ quan thanh tra cũng thừa nhận là công tác phát hiện, xử lý tham nhũng không hiệu quả, đặc biệt là những vụ có yếu tố nước ngoài.

Trả lời câu hỏi, sử dụng Thanh tra là công cụ để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả hay không, trong một trao đổi với VOV.VN, bà Lê Thị Nga – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: Thanh tra là công cụ quản lý của Nhà nước, là tai mắt của thủ trưởng. Cho nên, chính phủ và cơ quan hành pháp phải có thanh tra để đảm bảo công tác quản lý. Quản lý Nhà nước chắc chắn phải có thanh tra, kiểm tra. Dùng thanh tra là tai mắt của thủ trưởng, giúp thủ trưởng là đúng, nhưng dùng thanh tra để chống tham nhũng, để tìm những sai phạm của thủ trưởng là điều khó.

“Cách làm này rất dở ở chỗ, nếu thủ trưởng đơn vị chỉ đạo thanh tra tìm ra được nhiều tham nhũng, sai phạm thì càng bị quy trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy, thanh tra Chính phủ cũng phải kiện toàn để giúp chính phủ quản lý Nhà nước nhưng đừng hy vọng dùng thanh tra để phát hiện, xử lý tham nhũng”- bà Nga nói.

Theo các chuyên gia, muốn chống tham nhũng hiệu quả thì phải có cơ chế độc lập, người phát hiện tham nhũng phải tương đối độc lập với khu vực có thể xảy ra tham nhũng. Điều này cũng có nghĩa cần có một cơ quan phát hiện tham nhũng độc lập.

Tham nhũng vì sao vẫn nghiêm trọng?

Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Năng lực này được đánh giá dựa trên khảo sát ý kiến DN về môi trường kinh doanh ở các địa phương. Một trong những điều đáng lưu ý trong báo cáo này nêu ra là việc các DN (bao gồm DN trong nước và nước ngoài) đều rất sợ tình trạng tham nhũng, nhũng nhiễu, hạch sách trong hệ thống dịch vụ công hiện nay.

Vì sao tham nhũng lại nghiêm trọng đến như vậy? Việt Nam đã rất cố gắng trong công tác này nhưng vẫn xếp thứ 116/177 nước trên thế giới về tham nhũng (theo đánh giá của Tổ chức Minh bạch Quốc tế). Từ việc quản lý dòng tiền, kê khai, minh bạch tài sản… chưa nghiêm túc là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tham nhũng. “Không ai lý giải, kiểm soát được việc một công chức tự nhiên trở nên giàu có” là điều đang có ở Việt Nam.

Vụ việc quan chức đường sắt Việt Nam nhận hối lộ của JTC được đưa ra ngay sau khi Chủ tịch nước vừa kết thúc chuyến thăm Nhật Bản. Trong chuyến đi này, hai bên đã có thông cáo chung nhấn mạnh: quan hệ Việt - Nhật đã được nâng lên tầm cao mới, là đối tác chiến lược và ngày càng hợp tác toàn diện, đi vào chiều sâu. Cũng dịp này, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký với Chính phủ Việt Nam các hiệp định vốn vay ODA mới với tổng trị giá 86,425 tỷ Yên Nhật cho 4 dự án.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Bộ GTVT đã có những phản ứng rất nhanh nhạy và tích cực. Trong ngày 25/3, một thứ trưởng của bộ này đã lên đường sang Nhật Bản để xác minh chứng cứ chứ không chờ đợi sự tự giác hay lần tìm các manh mối từ trong nước. Việt Nam đã có bài học từ vụ các nhân viên PCI đưa tiền hối lộ cho Huỳnh Ngọc Sĩ. Khi đó, Đại sứ Nhật Bản có công hàm gửi Bộ Ngoại giao Việt Nam đề nghị thực hiện ủy thác điều tra theo đề nghị của cơ quan tư pháp Nhật Bản (8/2008). Thời gian đó, trong nhiều diễn đàn kinh tế trong nước và quốc tế, đặc biệt là tại các kỳ Hội nghị tư vấn nhóm các nhà tài trợ cho Việt Nam (CG), câu chuyện này liên tục được nhắc đến như một ví dụ điển hình về việc quản lý, sử dụng vốn ODA.

Với PCI, các cơ quan điều tra phải mất hàng năm trời mới đưa ra kết luận cuối cùng. Với vụ JTC, công luận đang chờ đợi để có câu trả lời sớm nhất. Cộng đồng quốc tế đang theo dõi cách xử lý vụ việc của Việt Nam. Nếu quyết liệt sẽ không quá khó và quá lâu để đưa vụ việc ra ánh sáng. Đây không chỉ là câu chuyện buộc một cá nhân, tập thể nào đó phải chịu trách nhiệm mà còn là uy tín của quốc gia trong mắt cộng đồng quốc tế./.