Những lùm xùm quanh chuyện một số quan chức Việt Nam bị tố cáo nhận hối lộ hàng tỷ đồng, hàng triệu USD trong các dự án đầu tư với đối tác nước ngoài đã và đang được các cơ quan chức năng tích cực điều tra, làm rõ. Dù chưa có kết luận, chưa biết thực hư ra sao, nhưng nó đã chỉ rõ những lỗ hổng, khiếm khuyết trong công tác quản lý Nhà nước, cơ chế giám sát thực hiện.
Một lần nữa trách nhiệm của cơ quan quản lý, vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, của các tổ chức đoàn thể và nhân dân lại được đặt ra. Đó cũng chính là để thực hiện một cách đầy đủ, thực chất Nghị quyết Trung ương 4 về Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay và những nội dung đã được Hiến pháp 2013 hiến định.
Tham nhũng, tiêu cực luôn song hành, gắn bó chặt chẽ với sự tồn tại và phát triển của bộ máy Nhà nước. Nó là một loại tội phạm mà đối tượng phạm tội mang tính đặc trưng, là những người có chức vụ, quyền hạn. Bởi vậy, đấu tranh với loại tội phạm này luôn là cuộc chiến cam go và dường như chưa thể khẳng định, liệu rằng nó có bị triệt tiêu hay không. Đặc biệt, trong sự chuyển động của xã hội hiện tại, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại càng khó khăn với những diễn biến khó lường.
Trong nhiều nguyên nhân, có mặt trái của cơ chế thị trường, sự thiếu đồng bộ của hệ thống chính trị, có sự suy thoái đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ lãnh đạo, quản lý, có việc không tuân thủ pháp luật, sự thiếu hụt của khung pháp lý. Nhưng nguyên nhân thể hiện rõ nét nhất hiện nay là còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý Nhà nước, đặc biệt đối với những lĩnh vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực. Bên cạnh đó là thiếu sự tham gia giám sát, phản biện của các tổ chức, đoàn thể xã hội và người dân.
Trong quản lý Nhà nước, cái lỏng lẻo không chỉ do hệ thống văn bản pháp lý chưa được hoàn thiện, thường xuyên thay đổi mà nó còn xuất phát từ cơ chế “xin-cho” vẫn tồn tại ở các lĩnh vực hoạt động, và cơ chế kiểm soát mang nặng tính hình thức.
“Xin-cho” vốn là một cơ chế chỉ phù hợp trong một thời điểm nhất định với những đặc điểm riêng biệt. Nhưng trong nền kinh tế thị trường hiện nay, chính cái “xin-cho” ấy làm nảy sinh những mối quan hệ không lành mạnh; những tỷ lệ “phần trăm”, “hoa hồng”, “lại quả”. Không được phát hiện, xử lý kịp thời, lâu dần nó trở thành “nạn”, thành “lệ”, và thành cái đương nhiên được xã hội chấp nhận như là “luật bất thành văn”. Tiêu cực là đây. Tham nhũng cũng là đây. Và nói, cơ chế đẻ ra tham nhũng cũng là vì vậy.
Những đồng tiền có được do tham nhũng, các “quan tham” lại đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác, tiếp tục làm giàu, tiếp tục rút ruột tiền của của Nhà nước, của người dân. Cũng từ đây cho thấy lỗ hổng lớn trong việc kiểm soát thu nhập của người lãnh đạo, quản lý. Mức thu nhập mà nếu tính theo lương hằng tháng họ được hưởng thì sẽ chẳng bao giờ có được biệt thự nọ, mảnh đất kia; sẽ chẳng bao giờ có những khoản tiền, ngoại tệ kếch xù được mở tài khoản ở ngân hàng trong và ngoài nước. Dù rằng trong nhiều biện pháp phòng, chống tham nhũng, việc kê khai, công khai thu nhập, tài sản đã được triển khai thực hiện, nhưng nó thực chất chưa thì câu trả lời chắc chắn vẫn là: “chưa”.
Thêm nữa, lâu nay vai trò giám sát, phản biện xã hội của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và người dân chưa được phát huy đầy đủ, nghiêm túc. Vì sao các công trình giao thông nông thôn, các công trình xây dựng có sự tham gia của người dân vừa chất lượng lại vừa không phải đội giá cao ngất ngưởng? Rõ ràng, khi vẫn còn cơ chế không phù hợp, dễ bị lợi dụng; khi việc quản lý thu nhập, tài sản của lãnh đạo, quản lý chưa được siết chặt; khi không có sự giám sát của các đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân thì tham nhũng, tiêu cực vẫn là câu chuyện dài không có hồi kết.
Các hành vi tham nhũng khi bị phát hiện, điều tra sẽ phải xử lý nghiêm khắc theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng không chỉ có sai phạm rồi mới xử lý, mà điều căn cốt là làm sao không để nó xảy ra.
Vậy nên, hoàn thiện cơ chế cho minh bạch hơn; phân cấp, phân quyền rõ ràng hơn; xác định rõ, cụ thể hơn trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, là những việc cần được thực hiện để phòng ngừa những tiêu cực có thể nảy sinh trong tương lai. Bên cạnh đó là nâng cao vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và người dân đối với mọi hoạt động của xã hội. Nếu làm tốt được điều này thì cùng với các biện pháp khác, các đối tượng dù có muốn tham nhũng cũng không thể tham nhũng. Lúc đó Nghị quyết của Đảng về xây dựng Đảng, đấu tranh với tệ nạn, tội phạm tham nhũng mới thực sự đi vào cuộc sống; những nội dung đã được hiến định mới phát huy được trong thực tế./.