Làm thế nào để xây dựng được những cơ chế kiểm soát tham nhũng trong hệ thống tư pháp là vấn đề được đặt ra tại hội thảo “Phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp kinh nghiệm của một số nước trên thế giới” tổ chức sáng nay (1/4), tại Hà Nội. Hội thảo do Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương phối hợp với chương trình đối tác tư pháp thuộc dự án do Liên minh Châu Âu, Đan Mạch, Thụy Điển tài trợ tổ chức.

Một trong những vấn đề quan trọng trong quá trình cải cách tư pháp của Việt Nam là việc đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp nhằm đem lại nền tư pháp trong sạch và vững mạnh. Bà Luba Beardsley, cố vấn cao cấp Ngân hàng thế giới cho rằng muốn kiểm soát tham nhũng trong hoạt động tư pháp, chúng ta phải có biện pháp nhận diện và cảnh báo những dấu hiệu của hành vi tham nhũng.

Cụ thể các dấu hiệu tham nhũng có thể đánh giá được qua các chỉ số như việc chậm trễ kéo dài trong việc xử lý vụ án, tồn đọng án, tỷ lệ kháng án hay tỷ lệ cao các quyết định tòa án có lợi cho cơ quan hành pháp… Vì vậy, nguyên tắc cơ bản để có hoạt động tư pháp công bằng và hiệu quả là phải tăng được tính độc lập, tính công bằng và trách nhiệm giải trình và tính minh bạch kiểm soát của công chúng đối với thẩm phán và cán bộ tòa án.

Bà Luba Beardsley phân tích: “Độc lập tư pháp là điều kiện tiên quyết của nguyên tắc pháp quyền và sự đảm bảo cơ bản của nguyên tắc xét xử công bằng của một Thẩm phán. Do vậy phải đề cao và nêu gương về độc lập tư pháp trên cả hai phương diện cá nhân và tổ chức”.

Các đại biểu cho rằng, Việt Nam vẫn chưa có những giải pháp cụ thể và đồng bộ để đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động tư pháp. Nguyên nhân chính là do chúng ta chưa xây dựng được hệ thống kiểm soát tư pháp như bộ quy tắc đạo đức thẩm phán, chưa áp dụng  thống nhất hệ thống theo dõi hệ quả xét xử của Thẩm phán và chưa có những biện pháp xử phạt mang tính răn đe với Thẩm phán vi phạm nguyên tắc.

Ông Nguyễn Đình Quyền, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng muốn phòng, chống tham nhũng trong hoạt động tư pháp có hiệu quả thì phải xây dựng được cơ chế kiểm soát chặt chẽ và đồng bộ đối với Thẩm phán, Công tố viên và Điều tra viên:

Ông Quyền cũng cho rằng: “Trong hoạch định chính sách cũng như trong tổ chức phòng chống tham nhũng, chúng ta phải xem xét hành vi đó từ xa, từ việc phân công của Thẩm phán, phân công thủ trưởng cơ quan điều tra, từ việc phân công của thủ trưởng đối với Kiểm soát viên. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta không thể dựa vào Thẩm phán, Công tố và Điều tra viên về lòng tốt mà phải có cơ chế kiểm soát, điều đó là bắt buộc và cơ chế kiểm soát càng chặt chẽ bao nhiêu thì càng hạn chế tham nhũng bấy nhiêu”.

Một vấn đề mấu chốt nhằm khắc phục tham nhũng trong ngành tư pháp được chỉ ra, đó là cần có chính sách tăng cường tính độc lập của ngành tư pháp; có cơ chế gắn với trách nhiệm và tăng cường năng lực của các cơ chế kiểm soát bên ngoài. Đồng thời khuyến khích người dân nâng cao hiểu biết về quyền và nghĩa vụ pháp lý cũng như trách nhiệm thực thi công lý công bằng, hiệu quả và nhanh chóng của tòa án./.