Những ngày qua, tại các tiểu khu 297, 311, thuộc rừng phòng hộ A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế bị lâm tặc chặt phá không thương tiếc. Tại hiện trường, nhiều cây gỗ lâu năm bị đốn hạ ngổn ngang, những phách gỗ vừa cưa xẻ ngay giữa rừng phòng hộ A Lưới, số khác thì công khai vận chuyển ra ngoài. Đây là rừng do Đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ, thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ A Lưới phụ trách.

go_1_vov_lnwu.jpg
Sau khi bị đốn hạ, cây được xẻ thành từng phách sau đó các đối tượng lén lút vận chuyển ra khỏi rừng.

Từ cầu Mỏ Quạ, trên Quộc lộ 49A men theo con đường đất, đá dăm lởm chởm, vượt qua nhiều đèo dốc khúc khuỷu mới vào được khu vực rừng phòng hộ vừa bị lâm tặc đốn hạ. Tại tiểu khu 297, cả khu rừng chỉ còn sót lại những gốc cây trơ trụi. Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ chưa kịp xẻ nằm chỏng chơ dọc triền núi. Còn tại khu vực rừng phòng hộ núi Rur, thuộc tiểu khu 311, xã Hương Phong và khu vực Khe Bưởi, tiểu khu 297, xã Phú Vinh, thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới, huyện A Lưới, vô số phách gỗ vẫn còn ứa nhựa tươi.

Ông Lê Văn Thoại, Đội trưởng Đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới, huyện A Lưới phân bua: Do lực lượng của đội chỉ có 8 người nên quản lý không xuể.

“Diện tích quản lý ở đây là 6 tiểu khu, đường đi lại rất khó khăn, đèo dốc hiểm trở. Trách nhiệm anh em ở đây kiểm tra kiểm soát, một lần đi thì phải kết hợp với chính quyền địa phương, cán bộ kiểm lâm địa bàn và Hạt Kiểm lâm A Lưới. Tuần tra kiểm soát thường xuyên ít nhất 1 tuần 4 đến 5 ngày. Thời gian vừa qua cũng vì trách nhiệm của anh em trực phòng cháy hơi nhiều thời gian nên dẫn đến tình trạng bà con lợi dụng. Anh em ở đây trực 24/24, ngày thì đi tuần còn đêm về trực cũng hơi vất vả. Nhưng mà đặc biệt ở đây 6 tiểu khu mà 8 anh em”, Ông Lê Văn Thoại nói.

Nhiều cây gỗ lớn tại rừng phòng hộ A Lưới bị lâm tặc đốn hạ
Sau khi sự việc xảy ra, Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã phối hợp Hạt Kiểm lâm A Lưới kiểm tra hiện trường tại Tiểu khu 297 do đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ quản lý. Qua kiểm tra tại khu vực này, phát hiện 24 cây bị chặt hạ có đường kính trung bình từ 40 đến 60cm, nằm rải rác. Các cây bị chặt hạ là quế rừng, trám chũa, chò, mỡ, dẻ… thuộc gỗ nhóm 6, nhóm 7. Ngoài ra, tại khu vực được kiểm tra còn phát hiện 26 phách gỗ chò, trám lên tới hàng mét khối.

Ông Văn Thân, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới cho biết, xảy ra tình trạng phá rừng như vậy, trách nhiệm đầu tiên thuộc về lãnh đạo và cán bộ Đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ.

Theo ông Thân, đơn vị đã lập tổ công tác đến hiện trường kiểm tra và yêu cầu lãnh đạo và cán bộ đội bảo vệ rừng chuyên trách viết kiểm điểm và làm rõ trách nhiệm để xử lý: “Đội quản lý chuyên trách Mỏ Quạ 6 phụ trách tiểu khu, khoảng 6 ngàn héc ta. Sau khi chúng tôi đi kiểm tra hiện trường về, phía Ban quan lý đã có công văn yêu cầu 8 cán bộ Đội bảo vệ rừng chuyên trách làm kiểm điểm để đơn vị xem xét xử lý”.

Ông Lê Nhân Đức, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế thừa nhận, Hạt Kiểm lâm A Lưới có trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng phá rừng. Theo ông Đức, do lực lượng kiểm lâm mỏng, diện tích rừng lớn nên việc tuần tra chưa quán xuyến được địa bàn. Do vậy, một số đối tượng từ các xã khác như Hồng Hạ, Hương Nguyên, Hồng Tiến, thị xã Hương Trà thường lén lút tổ chức khai thác gỗ trái phép tại đây.

Nhiều gốc cây lớn còn sót lại tại tiểu khu rừng 297, rừng phòng hộ A Lưới.

Ông Lê Nhân Đức đổ lỗi, do địa hình phức tạp nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn: “Địa hình rất là chia cắt thành ra việc tuần tra khép kín và những điểm khai thác tương đối cách xa nhau. Qua vụ việc này, hiện nay chúng tôi đã phối hợp với Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới tổ chức tăng cường lực lượng tại khu vực này. Trước mắt là tiến hành chốt chặn, sau đó kiểm tra cũng như tăng cường tuần tra tại rừng, đảm bảo rằng tới đây sẽ chấm dứt tình trạng khai thác trái phép. Bên cạnh đó chúng tôi sẽ rà soát lại lực lượng để bố trí cho phù hợp, đối với những đồng chí không đủ tiêu chuẩn như sức khỏe... thì sẽ có sự thay đổi”./.