Bà con ở khu vực Trường Hòa, phường Trường Lạc, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ ai cũng biết và khâm phục hai vợ chồng ông Tư Quang (tức Nguyễn Văn Quang, năm nay ông 70 tuổi). Bởi lẽ, với những gia đình lao động nghèo nông thôn mà có 6 đứa con thì việc nuôi dạy các con thành người hữu ích là rất khó, huống chi đó lại là những nạn nhân da cam dioxin.

Hiện gia đình ông được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Cần Thơ chọn là 1 trong 2 gia đình hội viên tiêu biểu đề nghị biểu dương toàn quốc.

da_cam1_vov_nbyb.jpg
Hai vợ chồng ông Tư Quang

Những người dân kỳ cựu của phường Trường Lạc, quận Ô Môn kể rằng, thời chiến tranh, nơi đây là một trong những điểm nóng của tuyến lộ Vòng Cung thường bị địch càn quét, bố ráp, đuổi dân ra xa để tạo vùng trắng, triệt phá cơ sở Cách mạng. Như nhiều gia đình dân thường khác, ông Tư Quang đưa vợ rời khỏi đất quê để tha phương kiếm sống.

Hai vợ chồng ông lưu lạc đến đất Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước ngày nay) làm công nhân cao su rồi bị nhiễm chất độc da cam ở rừng miền Đông mà không hề hay biết. Tận gần chục năm sau ngày đất nước thống nhất, Trường Lạc mới lấy lại màu xanh, người dân lưu lạc trở về sinh sống, ông Tư Quang cũng cùng vợ và các con về quê định cư.

Ban đầu, cuộc sống của vợ chồng ông Tư nghèo nhưng rất vui. Ông thì đi làm thuê hay mua bán nông sản chạy chợ, vợ ông cũng lo thu mua phế liệu bán cho vựa lớn kiếm thêm. Những đứa con xinh xắn lần lượt ra đời càng giục vợ chồng ông Tư Quang thêm cố gắng.

Cháu ngoại ông Quang là Phạm Trung Hiếu vừa qua lần phẫu thuật thứ ba

Cuộc sống của vợ chồng ông Tư Quang bắt đầu suy sụp khi lần lượt 2, rồi 3, rồi 6 đứa con của ông cứ độ khoảng 5 tuổi thì đau ốm liên miên, các chi dần biến dạng, teo tóp cong queo.

Ông Tư Quang không hiểu được chuyện gì đang xảy ra trong cơ thể những đứa con mà bác sĩ cũng không chữa được.

Ông Tư Quang kể: “Hồi nhỏ đứa nào như đứa nấy bình thường, như cục bột vậy, con tôi đẹp gái, đẹp trai lắm. Tới khoảng 5 tuổi là các cháu bắt đầu phát bệnh. Hồi đó, tôi mà biết thì sinh 1 đứa thôi chứ có biết kế hoạch gì đâu, định là sinh đứa này bị thì mình sẽ nhờ đứa khác, nhưng cuối cùng lại là đứa nào cũng bị hết luôn. Hồi đó, mình nghèo muốn chết, đâu có lo lắng gì được, cứ cắm đầu vô lo làm không đặng mà cho con đi ăn, học”.

Bằng khen của ông Tư Quang 

Sau những lần tuyệt vọng, ông nghĩ nếu các con khỏe mạnh thì cố gắng nuôi dạy chúng nên người. Bây giờ, tôi có tật, tôi buông xuôi thì chúng biết trông cậy vào ai. Thương con, ông Tư Quang bàn với vợ càng phải cố gắng sao cho các con có chỗ nương tựa mỗi khi đau ốm. Ông càng làm việc nhiều hơn, từ trồng rau, buôn hàng rẫy.... đến phục vụ các nghi lễ cưới hỏi ở khắp nơi, đâu có việc là làm không nề hà thời gian hay xa gần. Ông cũng dạy các con phải biết quí lao động, khi yếu thì thôi, khi khỏe dù đi lại  khó khăn vẫn phải học làm việc, học tự phục vụ và bươn chải kiếm sống. Sự nhẫn nại, nỗ lực lao động và lời to nhỏ động viên của ông đã giúp các con ông dần dần chấp nhận thực tại và vượt lên số phận.

Năm 2007, từ sự giúp đỡ ban đầu của Quỹ hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam dioxin thành phố Cần Thơ, ông Tư Quang động viên người con trai thứ 5 học nghề sửa điện thoại, rồi hướng dẫn cho đứa con gái thứ 6 theo học tiếp. Một đứa được ông gom góp, vay mượn cho mở tiệm bán tạp hóa, một đứa bán đồ nhựa, đồ nhôm gia dụng, một đứa mở điểm mua bán ve chai, một đứa khéo tay thì đi học nghề may rồi mở tiệm…

Những đứa con ông Tư Quang cứ thế mà bước những bước chân teo tóp với nghị lực phi thường để tạo dựng một cuộc sống cơ bản cho riêng mình trước sự khâm phục của bà con phường Trường Lạc. Người ta đã có cái nhìn thoáng và hết kỳ thị với gia đình ông. Nhiều người cảm phục nghị lực của cả gia đình nên tính đến chuyện làm sui gia với vợ chồng ông Tư Quang. Bây giờ, cả 6 đứa con đều đã có gia đình riêng, ông Tư Quang đã trở thành ông nội, ông ngoại nhưng nỗi đau da cam vẫn còn dai dẳng phá hoại cả cơ thể của cả những đứa cháu.

Giấy khen của ông Tư Quang 

Tổng cộng cả nhà ông có tới 8 người nhiễm da cam gồm 6 người con và 2 đứa cháu nội, ngoại. Đứa cháu nội Nguyễn Thị Bích Liên năm nay đã hoàn thành chương trình học cao đẳng dược sĩ. Đứa cháu ngoại Phạm Trung Hiếu được ông Tư Quang cõng đi học phổ thông đến hết lớp 9 rồi cho học nghề nay đã là thợ sửa điện thoại di động. Mặc dù đã qua 3 lần phẫu thuật, 1 lần gãy chân, 1 lần nứt xương, dự kiến còn phải mổ thêm ít nhất 2 lần nữa, nhưng Trung Hiếu vẫn nuôi ước mơ và cố gắng thành thợ giỏi.

Ở độ tuổi thất thập, nhìn lại những nỗ lực của mình và các con, các cháu, ông Tư Quang vẫn tâm đắc một điều phải luôn làm tấm gương và là chỗ dựa vững chắc cho cả gia đình.

“Gia đình rất khó khăn, nhưng mà ổn định ở chỗ tình cha con, tình vợ chồng sâu đậm, có nghị lực; chồng nói vợ nghe, vợ nói chồng nghe chứ không bao giờ xảy ra gì hết. Tôi cũng cố gắng khuyên dạy các con và làm tấm gương cho các con, thành ra các con nó noi theo”.

Bà Trần Thị Liên Kiều – Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam dioxin thành phố Cần Thơ cho biết, chỉ tính riêng Cần Thơ hiện có hơn 4.400 nạn nhân chất độc da cam với khoảng gần 550 hộ thuộc diện hộ nghèo và đặc biệt khó khăn. Trong đó, gia đình ông Tư Quang nằm trong tốp những nạn nhân của cả nước chịu di chứng nặng nề nhất và cũng là hội viên tiêu biểu về vượt khó, chăm sóc tốt cho các nạn nhân.

“Đối với gia đình ông Quang, nhìn tổng thể thì một gia đình 3 thế hệ bị nhiễm chất độc hóa học lây truyền từ ông, bà rồi đến cha, mẹ rồi đến cháu. Những lúc ông khó khăn nhất thì có xã hội, có hội mình hỗ trợ ông nhưng ông có 1 sự tính toán, có định hình cho con cho nên mỗi đứa đều có 1 nghề làm ăn, 6 đứa con có 6 nghề khác nhau để tự vươn lên trong cuộc sống, bớt đi gánh nặng cho xã hội. Đó là 1 tấm gương phải nói là tự lực vươn lên phi thường luôn”- bà Liên Kiều nói.

Với tất cả những ai có lương tri trên thế giới khi tiếp cận các gia đình nạn nhân chất độc da cam đi ô xin ở Việt Nam đều đau đớn thốt lên: họ là những người khổ nhất trong tất cả những người chịu nỗi khổ vì chiến tranh. Vì vậy, câu chuyện vượt lên được nghịch cảnh để hòa nhập cộng đồng thành công của gia đình ông Tư Quang thật đáng khâm phục./.