Phóng sự về những nhà giáo đang làm công việc cao cả nuôi dạy những đứa trẻ nhiễm chất độc da cam tại làng trẻ Hữu Nghị (Xuân Phương, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) sẽ được phát sóng trong chương trình “Ngày thầy trò” vào 20/11.
Một trong số câu chuyện cảm động về tình thầy trò là những người thầy thầm lặng chăm sóc các em nhỏ bị di chứng chất độc da cam ở làng trẻ Hữu Nghị, Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Nơi đây, việc chính của các em nhỏ là học chơi, học nói, học những kỹ năng cơ bản mà đứa trẻ bình thường nào cũng đã sẵn có.
Việc dạy học, dạy chơi cho các em có thể thấy là không hề đơn giản. Có những bức tranh thêu được hoàn thành trong vài tháng thậm chí cả năm trời vì hôm nay dạy, ngày mai các em lại quên.
Thế nhưng, các cô giáo vẫn kiên nhẫn đồng hành cùng các em nhỏ dù tiền trợ cấp rất thấp, bởi vì một tình yêu đặc biệt đối với các em, dù nhận thức kém nhưng các em luôn bày tỏ với các cô một tình yêu bao la như đối với chính người mẹ của mình.
Thầy cô giáo và học sinh tại làng trẻ Hữu Nghị, Bắc Từ Liên, Hà Nội |
Cô giáo tên là Hà ở làng trẻ Hữu Nghị không nghĩ một cuộc sống phong lưu là hạnh phúc, chỉ mong các em khỏe mạnh, có đời sống bình thường.
Một cô giáo khác tên là Loan tâm sự, ngay từ đầu thấy trung tâm được xây dựng, cô đã xin vào làm tình nguyện, về sau trung tâm trợ cấp thêm cho cô mỗi tháng 300.000 đồng.
Món quà lớn nhất mà cô Loan nhận được là bức tranh chân dung vẽ chì. Cô không ngờ được những em nhỏ thiệt thòi lại có thể vẽ đẹp như thế. Ngày 20/11 này ở trường Hữu Nghị, dù không có cờ hoa rực rỡ nhưng thầy trò đều rất nô nức. Các em nhỏ đã dành những số tiền ít ỏi vài ba nghìn đồng để mua hoa tặng các cô.
Trong chương trình “Ngày thầy trò” còn hội tụ rất nhiều những câu chuyện cảm động của lớp mầm non miền núi với cô giáo cắm bản, tình thầy trò xưa và nay ở trường quốc học Huế, cuộc sống và học tập của những đứa trẻ mồ côi ở Trung tâm chăm sóc người già và hỗ trợ tài năng trẻ chùa Phật Tích...
Đạo nghĩa thầy trò, sự kiên cường và hết lòng của những người giáo viên đối với thế hệ tương lai của Việt Nam còn rất nhiều, ở khắp mọi miền Tổ Quốc, là những tấm lòng góp phần thắp sáng niềm tin, nhân lên lòng nhân ái của xã hội hôm nay- một trong những mục đích mà những người thực hiện “Ngày thầy trò” muốn hướng đến.
Cùng với đó, chương trình cũng sẽ có những cuộc toạ đàm về đạo nghĩa thầy trò suốt chiều dài lịch sử nước Việt với sự tham dự của nhiều nhân vật nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội…
“Ngày thầy trò" là chương trình truyền hình liên tục 16 tiếng, bắt đầu từ 7h sáng đến 23h đêm ngày 20/11/2016 nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.
Chương trình do Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài truyền hình VTC và Mobi TV thực hiện, sẽ diễn ra trên khắp mọi miền Tổ quốc, đặc biệt là những vùng miền mà cuộc sống người dân còn khó khăn, vấn đề giáo dục cũng cần nhiều sự động viên, trợ giúp của xã hội.
Đây là chương trình truyền hình quy mô lớn, được chuẩn bị suốt nửa năm qua, với mục tiêu đề cao đạo nghĩa thầy trò, tinh thần hiếu học, phát huy truyền thống “tôn sư trọng đạo” từ ngàn xưa của người Việt Nam, phản ánh một ngày đặc biệt trong cuộc sống của người dân Việt Nam – một dân tộc có truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, một dân tộc luôn coi việc kính trọng những người thày giáo là một trong những thước đo lớn nhất về đạo nghĩa.
Cầu truyền hình “Ngày thầy trò” sẽ được phát sóng đồng thời trên khoảng 20 kênh truyền hình, trong đó có 7 kênh truyền hình của Mobi TV và các kênh truyền hình lớn trên toàn quốc như VTC2, Truyền hình Nhân dân, ANTG, An Viên, Vietteen.../.