Từ sự cảm thông và sẻ chia sâu sắc, hơn 5 năm nay, chị Lê Thị Thanh Thủy, 40 tuổi, Giám đốc ngân hàng Petrolimex, chi nhánh tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, đặc biệt là hỗ trợ nạn nhân da cam trên khắp mọi miền đất nước. Chị cũng là cá nhân duy nhất của địa phương này được tuyên dương tại Đại hội thi đua của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin toàn quốc vào giữa tháng 7 vừa qua.
Gia đình anh Nguyễn Thái Hạ, giáo viên tại Trường trung học cơ sở Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An được xếp vào diện đặc biệt khó khăn của xã khi có đến 3 người bị ảnh hưởng chất độc da cam. Cha của Hạ tham gia cách mạng từ năm 15 tuổi. Sau đó, ông công tác tại Đồn Biên phòng Ke Du, huyện miền núi biên giới Kỳ Sơn và lập gia đình.
Trẻ em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin |
Năm 1961, người con trai đầu là Nguyễn Thái Hoà ra đời nhưng chỉ nằm bất động trên giường, không nói được. Năm 1969 và năm 1970, nỗi bất hạnh tiếp tục ập đến với gia đình khi 2 cô con gái Nguyễn Thị Hà và Nguyễn Thị Thanh vừa sinh ra đã mắc bệnh động kinh, toàn thân co giật liên hồi, đầu phát triển hơn cơ thể, chân tay teo tóp, mọi sinh hoạt đều phải nhờ vào sự giúp đỡ của người thân.
May mắn thay, người con trai út Nguyễn Thái Hạ ra đời sau đó hoàn toàn lành lặn. Sau khi cha mất và mẹ bị tai nạn giao thông gãy hai chân, Hạ trở thành trụ cột kinh tế chính trong nhà. Hoàn cảnh khó khăn của gia đình Hạ được phản ánh trong một bài báo vào năm 2009. Lúc này, chị Lê Thị Thanh Thủy, Giám đốc Ngân hàng Petrolimex tình cờ đọc được và chủ động liên lạc với Hạ, mong muốn hỗ trợ cho gia đình anh. Từ đó, hàng tháng chị Thủy chuyển vào tài khoản của Hạ 500.000 đồng để Hạ lo sinh hoạt phí.
Với thu nhập giáo viên hơn 4 triệu đồng/tháng, khoản tiền này giúp gia đình Hạ bớt khó khăn, quan trọng hơn, nó mang tính sẻ chia và động viên sâu sắc khi một người chưa một lần gặp mặt luôn đồng hành cùng anh hơn 6 năm qua.
Anh Nguyễn Thái Hạ cho biết: “Mỗi tháng, chị Thủy hỗ trợ gia đình tôi 500.000 đồng để mua gạo và thường xuyên gọi điện hỏi thăm sức khỏe mẹ và các anh chị em. Số tiền này giúp gia đình tôi đỡ chật vật hơn. Tôi cũng chưa hiểu rõ về chị Thủy, nghe nói chị là một doanh nhân. Tuy nhiên, chỉ nghe qua hoàn cảnh, chị đã sẵn sàng giúp đỡ, tôi cảm nhận chị là người rất tốt và sống có trách nhiệm với thế hệ đi trước”.
Có lẽ sự đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh bắt nguồn từ hoàn cảnh khó khăn của gia đình chị Lê Thị Thanh Thuỷ khi cha của chị không may mất sớm. Tuổi thơ trôi qua trong sự thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nên chị cảm thông với những người nghèo, nhất là nạn nhân chất độc da cam.
Từ năm 2010 đến nay, chị nhận nuôi đến hết đời 68 trẻ em tàn tật là nạn nhân chất độc da cam, với kinh phí trích ra từ lương của hai vợ chồng chị và sự đóng góp của bạn bè thân thiết. Trong hơn 5 năm qua, cứ vào đầu tháng, 40 gia đình có người nhà là nạn nhân chất độc da cam tại huyện Tân Thành đều đặn được nhận trợ cấp mỗi gia đình 10kg gạo, mì tôm, bánh kẹo do chị Thủy trao tặng.
Được gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều nạn nhân chất độc da cam, chị Thanh Thủy cảm nhận được trong những cơ thể khiếm khuyết và trí tuệ không vẹn toàn ấy, họ vẫn có những ước mơ và hoài bão của riêng mình.
Với chị Thanh Thủy, xoa dịu nỗi đau da cam cũng là cách để tri ân những người đã nằm xuống vì hòa bình của đất nước: “Ngoài việc hỗ trợ về vật chất, tôi nghĩ điều mà các nạn nhân chất độc da cam cần nhất là sự thấu hiểu và chia sẻ của cộng đồng để có động lực vượt lên số phận. Điều tôi tâm đắc nhất là chăm sóc 68 nạn nhân da cam đến hết đời và luôn được mọi người chia sẻ.
Ngoài ra ,tôi cũng tâm nguyện xây nhà tình thương cho những người bị nhiễm chất độc da cam khi mưu sinh trong cuộc sống hiện tại. Với tôi, họ là những người đáng được chia sẻ nhiều nhất. Vì vậy, chừng nào còn sức khỏe, có khả năng công tác thì sẽ vận động nhân rộng mô hình này ra để đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam”.
Không chỉ đồng hành cùng nạn nhân chất độc da cam, chị Thanh Thủy còn tích cực tham gia nhiều hoạt động từ thiện khác tại Bà Rịa - Vũng Tàu và nhiều địa phương. Từ năm 2015 đến nay, chị hỗ trợ gần 70 triệu đồng cho một em bé ở Cà Mau để điều trị căn bệnh lạ; nhận nuôi dưỡng em Võ Thành Tâm, sinh 1998, mồ côi cha mẹ, quê ở Cà Mau.
Trong đợt rét đậm rét hại giáp Tết Nguyên đán 2015, chị đã ủng hộ 800 áo ấm cho các tỉnh Sapa, Lào Cai, Thái Nguyên, Yên Bái với tổng kinh phí 80 triệu đồng. Hiện chị Thanh Thủy đang hỗ trợ thường xuyên 12 trường hợp người già không nơi nương tựa, người bị bệnh nặng có hoàn cảnh khó khăn tại Hội Người mù tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, mỗi tháng từ 300 đến 500 ngàn đồng/người.
Bà Trần Thị Đoan Trang, Chủ tịch Hội người mù tỉnh cho biết: “Chị Thủy đã thực hiện chương trình này lâu rồi. Trong một tháng tiền chữa bệnh bao nhiêu thì sẽ được chị thanh toán hết. Chúng tôi thấy rất vui mừng vì sự hỗ trợ này. Chị Thủy tham gia công tác từ thiện không chỉ ở Hội người mù mà ở nhiều tỉnh thành khác nữa. Từ tấm lòng thiện nguyện của chị Thủy thì tôi mong là sẽ có nhiều tấm lòng hơn nữa sẽ những người khuyết tật và người mù sẽ đỡ phần nào khó khăn trong cuộc sống”.
Tính từ năm 2010 đến nay, tổng cộng số tiền chị Thanh Thủy ủng hộ cho các hoạt động từ thiện xã hội hơn 2 tỷ đồng. Chị cũng trở thành cầu nối khi vận động gia đình, bạn bè, đồng nghiệp có tham gia nhiều đợt tình nguyện ý nghĩa với tinh thần “Lá lành đùm lá rách”.
Chị Thủy chia sẻ, thời gian tới, nếu không có gì trở ngại, chị sẽ xây tặng 2-3 căn nhà tình thương mỗi năm và mở rộng các đối tượng cần hỗ trợ. Những đóng góp thiết thực này sẽ góp phần cùng chính quyền địa phương, các đoàn thể thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm lo cho người nghèo và nạn nhân chất độc da cam.
Ông Nguyễn Văn Nhân, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhận xét: “Chị Thanh Thủy mỗi tháng vận động đồng nghiệp, nhân viên, bạn bè quyên góp ủng hộ 80 nạn nhân chất độc da cam liên tục trong 4 năm nay. Không chỉ vậy, nhiều trường hợp khó khăn khác cũng được chị hỗ trợ. Phải nói đây là trường hợp có tâm nguyện rất tốt đối với công tác từ thiện xã hội”.
Nhiều lần được tuyên dương vì những hoạt động ý nghĩa cho cộng đồng, nhưng với chị Thanh Thủy, niềm hạnh phúc lớn nhất là những tình cảm mà chị được đón nhận sau mỗi chuyến đi. Đó là nụ cười hạnh phúc của người nghèo, một túi trái cây hay một bài thơ thay cho lời cảm ơn... Tất cả đã tiếp thêm động lực cho người phụ nữ mảnh mai nhưng mạnh mẽ ấy tiếp tục những hoạt động thiện nguyện đầy ý nghĩa./.