Trong kháng chiến chống Mỹ, huyện Bắc Bình của tỉnh Bình Thuận là nơi địch tập trung đánh phá ác liệt, thực hiện hàng trăm phi vụ rải chất độc hóa học nhằm tiêu diệt các khu căn cứ kháng chiến của quân ta.

Sau chiến tranh, huyện Bắc Bình có hơn 1.200 người nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam, hầu hết đều rất khó khăn trong cuộc sống. Trước thực tế đó, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Bình đã nỗ lực để chăm lo tốt cho các nạn nhân.

Bà Nguyễn Thị Thủy, ở khu phố Xuân An 1, thị trấn Chợ Lầu có 2 con bị di chứng của chất độc da cam là Đặng Thị Mỹ Nhung (30 tuổi) và Đặng Văn Nhiên (26 tuổi) từ lúc sinh ra cơ thể đã èo uột, thần kinh không được bình thường.

Bà Thủy cho biết: “Tôi đẻ đứa đầu lòng thì chưa biết nó bị bẩm sinh đâu. Nuôi cháu đến 5 tuổi mà không nói được, không đi gì hết. Đến bốn năm sau, tôi đẻ đứa nữa thì cũng bị y như đứa trước”.

da_cam_2_vov_ouvu.jpg
Trao nhà tình nghĩa cho 1 gia đình nạn nhân gặp khó khăn ở Bắc Bình

Chồng nhẫn tâm bỏ đi, một mình bà Thủy gánh vác nuôi hai con, bữa no bữa đói. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, nhất là sự động viên tinh thần và hỗ trợ vật chất của Hội Nạn nhân chất độc màu da cam/dioxin huyện Bắc Bình, bây giờ bà Thủy đỡ vất vả hơn nhiều.

Từ các nguồn trợ cấp, mỗi người con của bà nhận được 760.000 đồng mỗi tháng và thường xuyên được cán bộ hội, các nhà tài trợ thăm hỏi tặng quà. Bà Thủy cũng vừa được hội cho vay 10 triệu đồng không tính lãi, để buôn bán nhỏ cải thiện đời sống gia đình.

Hiện nay, nhiều gia đình nạn nhân nhiễm và nghi nhiễm chất độc màu da cam ở huyện Bắc Bình cũng nhận được sự hỗ trợ tương tự. Cháu Đặng Thị Kim Chi (10 tuổi), con gái thứ ba của chị Đặng Thị Kim Trang, người dân tộc Chăm ở xã Phan Hiệp, từ lúc chào đời đến nay chưa biết gọi một tiếng “mẹ”. Cơ thể gầy còm, thở nặng nhọc, tay chân quờ quạng và đêm nào cũng kêu la. Chị Trang phải ở nhà trông con, không thể đi làm kiếm sống. 

Bà Đặng Thị Kim Đào, bà ngoại của cháu Đặng Thị Kim Chi nói: “Nhờ địa phương quan tâm cho cháu, tháng nào cũng có trợ cấp, coi như 10 năm nay rồi. Có quà gì cán bộ hội cũng đến tận nhà gửi cho cháu. Nhờ Nhà nước giúp đỡ, mẹ cháu mừng lắm”.

Toàn huyện Bắc Bình hiện có 1.250 người bị nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam.

Ông Đinh Quang Toại, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Bình cho biết, phần lớn các nạn nhân đều trong hoàn cảnh nghèo khó, không nghề nghiệp, sức khỏe ngày càng yếu, rất nặng gánh cho gia đình. Cán bộ hội đã không quản ngại khó khăn, đi gõ cửa từng tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để vận động giúp đỡ các nạn nhân đang chịu đau đớn thể xác và tinh thần này.

"Hội có gặp trực tiếp đến các doanh nghiệp, cơ quan, nhà hảo tâm, trực tiếp cung cấp những hình ảnh của các nạn nhân chất độc da cam/dioxin để họ ủng hộ” - ông Toại chia sẻ.

Vận động nhà tài trợ trao quà cho các nạn nhân chất độc da cam tại tỉnh Bình Thuận dịp đầu năm 2016

Trong 5 năm qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Bình đã vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ tiền và vật chất với tổng trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Từ nguồn ủng hộ này, nhiều gia đình nạn nhân được tặng nhà tình nghĩa, tặng quà; được khám bệnh và cấp thuốc miễn phí; cho vay vốn sản xuất, chăn nuôi; được trợ cấp thường xuyên hàng tháng...

Sự vơi bớt khó khăn của các nạn nhân là động lực để Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện Bắc Bình tiếp tục quyết tâm làm tốt công tác “vì nạn nhân chất độc da cam”./.