Tiêm chủng vacine là biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất hiện nay, góp phần bảo vệ sức khỏe của trẻ em. Trong 31 năm triển khai Chương trình tiêm chủng mở rộng, nước ta đã có hàng trăm triệu liều vacine được tiêm miễn phí để phòng các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tuy nhiên, Chương trình này đang đứng trước những thách thức, nhất là khi xảy ra những trường hợp tai biến sau khi tiêm vaccine. Vậy bao giờ hết tâm lý e ngại khi tiêm chủng mở rộng?

Trường hợp tai biến gần nhất được ghi nhận trong Chương trình tiêm chủng mở rộng là một cháu bé 2 tháng tuổi, ở xã Nguyễn Trãi, huyện Thường Tín, Hà Nội tử vong sau khi tiêm vacine 5 trong 1 Quinvaxem ngày 5/5 vừa qua. Hội đồng chuyên môn của Sở Y tế Hà Nội kết luận, cháu bị sốc phản vệ trên cơ địa mắc bệnh cơ tim giãn.

dang_ky_tiem_1_vov_bbga.jpg
Đăng ký tiêm chủng tại Trạm y tế Quảng Bình- Quảng Xương- Thanh Hóa

Dẫu biết rằng, đa số người mắc bệnh này sẽ tử vong sau một thời gian, nhưng mỗi lần có cháu bé tử vong sau khi tiêm vaccine vẫn khiến các bậc phụ huynh hoang mang, lo lắng.

Ông Nguyễn Đức Trung, Trạm trưởng trạm y tế xã Nguyễn Trãi cho biết, gia đình không hề biết cháu bé mắc bệnh, còn trạm y tế, dù cố gắng đến mấy, cũng không thể khám sàng lọc được bệnh cơ tim giãn.

 “Chúng tôi đã thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Bộ Y tế, không tiêm quá 50 trẻ trong một buổi tiêm nhưng với những bệnh khó chẩn đoán như cơ tim giãn thì khó có thể xác định được, nhất là với trẻ nhỏ, tiền sử bệnh tật chưa rõ ràng”- ông Đức Trung nói.

Không chỉ có vaccine Quinvaxem mà tất cả các loại khác đều có tỷ lệ rủi ro nhất định do cơ thể bị dị ứng với chất lạ gây nên sốc phản vệ sau khi tiêm vắc xin.

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng, chỉ tính riêng vaccine viêm gan B và vacine phòng bệnh lao BCG mỗi năm cũng xảy ra từ 3 đến 6 trường hợp tai biến sau tiêm chủng, trong đó có trẻ bị sốc phản vệ, có trẻ tử vong trùng hợp với tai nạn sặc sữa hoặc bị bệnh viêm phổi.

Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, thời gian qua, ngành y tế đã “xốc” lại hệ thống tiêm chủng để đảm bảo việc khám sàng lọc được tốt hơn, cán bộ tiêm chủng và phụ huynh trao đổi kỹ hơn thông tin về sức khỏe của trẻ. Quy trình bảo quản vaccine được giám sát chặt chẽ hơn, tránh tình trạng tiêm nhầm thuốc.

Tuy nhiên, những ảnh hưởng của phản ứng nặng sau tiêm chủng gây ra tâm lý lo ngại cho phụ huynh khi đưa con đi tiêm. Thêm vào đó, tâm lý chờ đợi vaccine dịch vụ tại một số thành phố lớn khiến nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch, đã gây nên dịch ho gà, sởi, bạch hầu, viêm não do virus quy mô nhỏ thời gian qua.

Giáo sư Đặng Đức Anh cho biết: “Hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vaccine từ Trung ương đến địa phương vẫn đảm bảo. Trên thực tế vẫn xảy ra những phản ứng sau tiêm, thậm chí sốc phản vệ. Nhưng tỷ lệ này của Việt Nam không cao hơn so với các nước trên thế giới. Chúng tôi đã và đang đẩy mạnh tập huấn cho tuyến dưới để kịp thời xử lý các trường hợp sốc phản vệ hoặc chuyển lên tuyến trên kịp thời”.

Hơn lúc nào hết, tai biến sau khi tiêm vaccine được đánh giá  là thách thức lớn nhất đối với Chương trình tiêm chủng mở rộng. Thách thức này đang đe dọa những thành quả nổi bật hàng chục năm nay của hệ thống y tế dự phòng, trong đó có việc thanh toán được bệnh bại liệt, loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh và giảm được hàng trăm lần tỷ lệ mắc cũng như tử vong do các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long thị sát việc tiêm chủng tại Trạm y tế Quảng Bình- Quảng Xương- Thanh Hóa

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trước thách thức vừa nêu, trong năm nay, Bộ Y tế sẽ chỉ đạo tổ chức tiêm chủng thường xuyên, thay thế việc tiêm chủng định kỳ nhằm tránh quá tải tại các điểm tiêm; đồng thời tăng cường tổ chức tiêm chủng lưu động nhằm tạo thuận lợi cho người dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa.

“Khó khăn lớn nhất là tâm lý e ngại khi đi tiêm chủng sau khi có một số trường hợp tai biến phản ứng sau tiêm. Do vậy, Bộ Y tế sẽ đẩy mạnh hoạt động truyền thông về lợi ích của tiêm chủng, truyền thông nhằm huy động các cấp, các ngành tham gia cùng ngành y tế trong công tác tiêm chủng. Ngoài ra, việc tổ chức tiêm chủng thường xuyên tại các địa phương trên toàn quốc”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Một biện pháp được Bộ Y tế thực hiện mới đây đã phần nào khiến người dân tiếp cận thông tin về nguyên nhân tử vong sau tiêm chủng nhanh hơn. Đó là sau mỗi ca tai biến tiêm chủng, Hội đồng y khoa cấp tỉnh vào cuộc ngay để công bố sớm nhất nguyên nhân.

Tuy nhiên, việc này cũng cần sự giám sát chặt chẽ của Bộ Y tế để đảm bảo chính xác. Sự minh bạch, công khai, kịp thời và khách quan sẽ góp phần quan trọng giúp người dân thêm tin tưởng vào Chương trình tiêm chủng mở rộng./.