Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, tình hình hạn hán thiếu nước, xâm nhập mặn đang diễn ra hết sức phức tạp, phạm vi rộng gây khó khăn cho đời sống và sản xuất.
Trên cơ sở các số liệu quan trắc của mạng lưới trạm KTTV ở Việt Nam, có thể thấy trong thời gian qua ở khu vực Trung Bộ do nắng nóng và thiếu hụt lượng mưa trong thời gian dài, mực nước trên một số sông đã xuống thấp nhất lịch sử quan trắc, mực nước của một số hồ chứa trong khu vực cũng xuống dưới mực nước chết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đã và đang diễn ra tại một số địa phương.
Xâm nhập mặn sâu vào nội đồng đã và đang diễn ra tại các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng và nhất là ở Quảng Nam đã xuất hiện độ mặn cao nhất kể từ khi có số liệu quan trắc đến nay (từ năm 2005).
Theo GS Trần Thục – Chủ tịch Hội Khí tượng Thuỷ văn Việt Nam: “Các kết quả nghiên cứu cho thấy các hoạt động kinh tế, xã hội, giao thông vận tải, sản xuất nông nghiệp đã làm gia tăng lượng Cac-bon trong khí quyển, khiến trái đất hấp thụ nhiệt nhiều hơn khiến nhiệt độ trái đất ngày một cao, gây nên hiện tượng biến đổi khí hậu. Khi xảy ra hiện tượng El Nino, thời tiết phổ biến các nước ở bờ tây Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam là ít mây và ít mưa, nắng nóng kéo dài hơn càng khiến cho nhiệt độ tăng cao, do đó khô hạn và xâm nhập mặn xảy ra gay gắt hơn bình thường”.
PV: Thưa Giáo sư, theo các thông tin trên các báo quốc tế, tình hình thiếu nước đang diễn ra ở rất nhiều khu vực trong đó lưu vực sông Mekong, như vậy, Việt Nam có chịu ảnh hưởng gì không?
GS Trần Thục: Từ đầu tháng 6 đến nay (25/7), tổng lượng mưa trên lưu vực sông Mekong ở mức thấp hơn TBNN từ 30-70% và thấp hơn cùng kỳ của năm 2015 (là năm có hạn điển hình) khoảng 33%. Tổng lượng dòng chảy các trạm trên dòng chính sông Mekong thiếu hụt từ 35-45% so với TBNN và tương đương cùng kỳ năm 2015.
Mực nước tại các trạm ở thượng lưu sông Mekong ở mức thấp hơn TBNN từ 2,5-5,5m, các trạm ở trung lưu thấp hơn từ 3,0-6,2m, các trạm ở hạ lưu thấp hơn từ 2,5-5,4m. Đặc biệt tại một số trạm ở trung, hạ lưu sông Mekong như Pakse (Lào), Strungtreng (Camphuchia) mực nước đã xuống mức thấp hơn năm 2015 và đạt giá trị thấp nhất cùng thời kỳ. Tại Biển Hồ (Camphuchia) mực nước thấp hơn TBNN khoảng 2,0m, thấp hơn năm 2015 khoảng 0,5m.
Mực nước ngày lớn nhất ở đầu nguồn sông Cửu Long thấp hơn TBNN cùng kỳ 0,5-0,9m, xấp xỉ cùng kỳ năm 2010 và thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Nếu trong các tháng lũ chính vụ còn lại, từ tháng 8-10, trên lưu vực sông Mekong không có mưa diện rộng thì có nguy cơ mất lũ năm 2019, dẫn đến suy giảm dòng chảy mùa cạn năm 2020 trên lưu vực. Hiện tại lưu lượng trung bình 10 ngày cuối tháng 7/2019 tại Kratie giảm so với trung bình nhiều năm khoảng 11.000m3/s, so với năm có mùa lũ thấp (là năm 2015) khoảng 3000m3/s, dẫn đến thiếu nước. Tình trạng này sẽ càng trầm trọng hơn khi các thủy điện trên dòng chính ở thượng lưu và các thủy điện dòng nhánh tích nước sử dụng cho mục đích riêng. Khi đó sẽ xảy ra thiếu nước trầm trọng và xâm nhập mặn gia tăng ở ĐBSCL.
Nguy cơ khô hạn, mặn xâm nhập sớm trên diện rộng |
PV: Thưa giáo sư, với thực trạng như vậy thì dự báo về tình hình hạn hán thiếu nước sẽ theo chiều hướng như thế nào?
GS Trần Thục: Theo dự báo của cơ quan Khí tượng Thủy văn, hiện tượng El Nino yếu sẽ tiếp tục duy trì từ nay đến khoảng tháng 11/2019 với xác suất khoảng 50-55%, sau đó, ENSO có khả năng trở về trạng thái trung tính nhưng nghiêng về pha nóng từ tháng 12/2019. Dưới tác động của El Nino, nhiệt độ trong các tháng tiếp theo của năm 2019 trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1,0oC.
Đối với các tỉnh Trung Bộ
Kết quả tính toán chỉ số khô hạn khí tượng, chỉ số hạn thủy văn đều đang ở mức rất cao và đều ở ngưỡng hạn nặng đến rất nặng từ Nghệ An đến Khánh Hòa. Do đó, tuy nhận định trong tháng 8-9/2019 lượng mưa tăng hơn nhưng không nhiều, nên từ nay đến hết tháng 8/2019, lượng dòng chảy trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục suy giảm và ở mức thiếu hụt so với TBNN phổ biến từ 40-65%, một số nơi thiếu hụt trên 80% như ở Quảng Nam, Bình Định và Phú Yên.
Mực nước trên các sông thuộc khu vực Trung Bộ tiếp tục xuống mức thấp hơn nhiều so với TBNN cùng kỳ. Tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục diễn ra tại các tỉnh từ Nghệ An đến Khánh Hòa, đặc biệt là các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên. Hạ lưu một số sông có khả năng xuất hiện độ mặn cao nhất trong chuỗi số liệu quan trắc (khả năng sẽ xuất hiện vào cuối tháng 7 đầu tháng 8/2019).
Đối với các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long
Từ nay đến cuối năm 2019, khu vực Trung Bộ có khả năng bị ảnh hưởng bởi 1-2 cơn bão, nhiều khả năng gây mưa cho lưu vực sông Mekong. Trong tháng 8-9, tổng lượng mưa khu vực thượng lưu (Lào - Trung Quốc) ở mức cao hơn so với TBNN khoảng 10-20%, khu vực hạ lưu (nam Lào - Campuchia) xu hướng mưa nhiều hơn trong các tháng 8-9 và bắt đầu thiếu hụt mưa từ tháng 10/2019. Tháng 10-12/2019, mưa giảm nhanh, tổng lượng mưa có xu hướng thấp hơn so với TBNN trên các khu vực Lào - Campuchia.
Về tình hình dự báo lũ và nhận định mùa khô năm 2019-2020
Từ tháng 8-10/2019, tổng lượng dòng chảy tại các trạm trên dòng chính sông Mekong ở mức thấp hơn TBNN từ 10-30% và cao hơn năm 2015 từ 5-12%. Do thiếu hụt lượng mưa và dòng chảy ở thượng nguồn sông Mekong nên đỉnh lũ năm ở đồng bằng sông Cửu Long có khả năng sẽ ở mức thấp (Báo động 1), thời gian xuất hiện mực nước đỉnh lũ khả năng xảy ra vào cuối tháng 9 đầu tháng 10/2019.
Dự báo đỉnh lũ năm 2019 trên sông Cửu Long (tại trạm Tân Châu và Châu Đốc) ở mức thấp, tổng lượng dòng chảy thượng nguồn sông Mekong về khu vực ĐBSCL thiếu hụt nhiều so với TBNN, đặc biệt sau tháng 9/2019, lượng mưa giảm nhanh dẫn đến dòng chảy cũng suy giảm nhanh. Do đó, trong mùa mùa khô năm 2019-2020, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long sẽ bị chịu ảnh hưởng mạnh của thủy triều. Nguy cơ cao xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn vùng cửa sông Nam Bộ trong mùa khô năm 2019-2020, đặc biệt tình trạng xâm nhập mặn có thể diễn ra rất sớm từ những tháng đầu năm 2020. Các địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và khu vực Nam Bộ nói chung cần sớm có các biện pháp chủ động phòng chống hạn hán và xâm nhập mặn cho mùa khô năm 2019-2020.
Nhiều hồ chứa đang cạn kiệt (ảnh V.H) |
PV: Vậy tình hình thời tiết đã và đang chịu ảnh hưởng của El Nino yếu nhưng đã và đang gây nên nhiều hệ lụy ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh và sản xuất. Theo giáo sư, với thực trạng và ảnh hưởng như vậy chúng ta cần phải có những biện pháp để thích ứng và ứng phó như thế nào?
GS Trần Thục:Tôi thấy từ đầu năm 2019 cơ quan Khí tượng Thủy văn đã có nhận định rằng nền nhiệt độ trung bình các tháng ở hầu hết các vùng trong cả nước có xu hướng cao hơn TBNN, lượng mưa thiếu hụt nhiều so với TBNN. Lượng dòng chảy năm ở các sông thuộc Trung Bộ suy giảm, ở mức thiếu hụt nhiều so với TBNN. Không có khả năng xuất hiện lũ sớm ở đầu nguồn sông Cửu Long.
Cơ quan Khí tượng Thủy văn đã phối hợp với các cơ quan liên quan, chuyên gia trong và ngoài nước, tổ chức các buổi thảo luận về tình hình hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở Trung Bộ, lũ thấp ở đồng bằng sông Cửu Long để nhận định về diễn biến của thời tiết, khí hậu.
Các bản tin dự báo hạn và xâm nhập mặn cho khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ định kỳ phát hành 10 ngày/bản tin từ khoảng giữa tháng 4/2019. Những bản tin cho các cơ quan chức năng và các thông tin cho các cơ quan truyền thông đã kịp thời thông báo diễn biến và cảnh báo rủi ro thiên tai trong thời gian tới.
Để có thể chủ động ứng phó, trước hết cần phải có những cảnh báo về khả năng xảy ra thiên tai hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL, yêu cầu các hộ dùng nước, các chủ công trình sử dụng tài nguyên nước có những giải pháp sử dụng nước hiệu quả và tiết kiệm trong mùa cạn năm 2020. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên ngành, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến và ban hành sớm, sát thực tế về tình hình hạn hán phục vụ công tác ứng phó.
Đặc biệt điều đáng lưu ý đây là các bản tin nhận định xa tại thời điểm này (trước 6 tháng) các cơ quan chỉ đạo, điều hành và các cấp chính quyền cần liên tục cập nhật những thông tin cảnh báo, dự báo mới nhất của cơ quan dự báo KTTV để có sự điều chỉnh kịp thời. Chúng ta cần sự chủ động trước mọi tình huống để đảm bảo an toàn cho cộng đồng đặc biệt là thúc đẩy sản xuất đảm bảo an ninh lương thực cho xã hội.
PV:Xin cảm ơn ông!./.