Cá thể voi  này xuất hiện ở huyện từ mấy năm trước, song gần đây  trở nên hung hãn, đe dọa sự an toàn tính mạng và tài sản của người dân.

Theo nhiều người dân Sông Mã, họ đã từng nhìn thấy cá thể voi  xuất hiện quanh khu vực bà con sinh sống từ 4 – 5 năm trước. Song, lúc bấy giờ có vẻ hiền lành và ít phá phách. Đây là voi cái, có trọng lượng khoảng 5 tấn.

voi_rung_wubr.jpg
(Ảnh minh họa)

Gần đây, voi xuất hiện thường xuyên hơn và phá phách nhiều hơn, nhất là tại khu vực giáp ranh 3 xã của huyện gồm: Chiềng Khoong, Huổi Một và Mường Cai. Thống kê trong 2 năm lại đây, cá thể voi này đã phá hoại tổng cộng 156 lần, giết chết 6 con trâu bò, hủy hoại 1 nhà ở, một số công cụ sản xuất gồm máy cắt cỏ, máy thái sắn, nhiều đường ống nước và trên 25 ha ruộng nước, nương ngô, sắn, tổng giá trị thiệt hại khoảng 450 triệu đồng. Ngoài ra, 6 người dân ở bản Kéo, xã Huổi Một còn bị voi đuổi, may mắn chạy thoát.

Sau khi phát hiện sự xuất hiện của voi rừng, cấp ủy, chính quyền các xã đã báo cáo huyện và ngành chức năng. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân chủ động triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản. Bện canh đó là huy động các ban, ngành, đoàn thể xã, bản giúp đỡ nhân dân trong việc khắc phục hậu quả do voi phá hoại.

Ông Lò Văn Long, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Một nói: “Con voi này đang ở khu vực Hải Sơn – nơi giáp ranh Chiềng Không với Huổi Một. Nó hay xuất hiện vào ban đêm trên lán nương, hoặc buổi sáng sớm, sợ nó làm hại đến người. Giết nó thì không được vì như vậy là vi phạm pháp luật”.

Về phía huyện Sông Mã đã có văn bản thông báo đến nhân dân và hướng dẫn nhân dân áp dụng các biện pháp xua đuổi voi ra khỏi khu vực dân cư; đồng thời nhắc nhở nhân dân chú ý bảo vệ, không làm ảnh hưởng đến sức khỏe của voi.

Cuối năm ngoái, huyện đã có buổi làm việc với Tổng Cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm Sơn La và Thường trực UBND các xã nơi có voi rừng thường xuyên xuất hiện.

Tại buổi làm việc, sau khi báo cáo  tình hình liên quan, huyện đã đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác của Tổng cục Lâm  nghiệp là di chuyển voi đến nơi có điều kiện phù hợp; nếu không di chuyển được thì cần có biện pháp phòng tránh và hỗ trợ về thiệt hại do voi gây ra...Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có biện pháp giải quyết nào được đưa ra.

Bà Cầm Thị Ngọc Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La cho biết: “Trước mắt, huyện chỉ đạo các xã và các vùng lân cận khi voi xuất hiện thì xua đuổi theo phương pháp thủ công. Còn để di chuyển con voi này ra khỏi khu vực này hay đưa vào những khu bảo tồn thì rất mong các cấp các ngành tiếp tục quan tâm có ý kiến chỉ đạo để huyện sẽ phối hợp trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện”.

Sớm đưa voi rừng về các khu bảo tồn thiên nhiên là mong ước lớn nhất của người dân Sông Mã hiện nay, bởi như vậy, bà con mới không còn nơm nớp lo sợ đối mặt với voi rừng. Và loài động vật hoang dã, quý hiếm này mới có thể được bảo tồn một cách tốt nhất./.