Sáng ngày 28/3, tại trung tâm hội nghị tỉnh Điện Biên đã diễn ra hội thảo “Sinh hoạt tôn giáo trong đồng bào các dân tộc vùng cao, miền núi Tây Bắc” do Ban Hoằng Pháp TƯ, Ban Văn hóa TƯ, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên, Sở Nội vụ tỉnh Điện Biên, Viện Nghiên cứu tôn giáo phối hợp tổ chức.

Phát biểu khai mạc, Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng Ban Hoằng Pháp TƯ Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhấn mạnh, hội thảo nhằm hiểu rõ hơn về thực trạng sinh hoạt tôn giáo trong đời sống của đồng bào các dân tộc, qua đó tăng cường đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo; hướng cho tăng ni, phật tử thực hành đạo Phật ở vùng cao, miền núi, vùng biên giới có nhận thức đúng và thực hiện tốt Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo để tích cực tham gia vào các phong trào thi đua yêu nước.

10 tham luận của các đại biểu tham dự, trong đó nổi bật như: Phát triển tổ chức Phật giáo Việt Nam tại các tỉnh, thành miền núi phía Bắc; Đạo Tin lành trong đồng bào các dân tộc vùng cao, miền núi phía Bắc; vài nét về thực trạng và đặc điểm Công giáo vùng Tây Bắc... đã nêu lên bức tranh chung về sinh hoạt tôn giáo ở vùng cao Tây Bắc, các bước xây dựng tổ chức cơ sở tôn giáo Giáo hội Phật giáo Việt Nam và phương thức phát triển tôn giáo ở vùng Tây Bắc.

Các tham luận đã chỉ ra rằng Phật giáo đã có mặt tại Tây Bắc từ nhiều thế kỷ trước.Khôi phục sự hiện diện Phật giáo tại nơi đây, không phải là điều ngẫu nhiên, thiếu căn cứ. Nhất là trong bối cảnh xuất hiện khoảng 20 đạo lạ, tà đạo với nguy cơ phá vỡ những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc anh  em, gây chia rẽ mất đoàn kết trong các dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo.

 
Đối với địa bàn Tây Bắc, nhiều nơi, các hủ tục, mê tín dị đoan vẫn là một phần trong đời sống tinh thần và tâm linh của bà con các dân tộc. Đời sống kinh tế xã hội và mức sống của người dân nơi đây đang còn thấp hơn mức bình quân chung. Trong khi đó, các thế lực chống phá Việt Nam cũng thường lợi dụng vấn đề tôn giáo và dân tộc kích động bà con, gây rối loạn vùng biên cương.

Bản tham luận của Hòa thượng Thích Gia Quang – Phó chủ tịch Hội đồng trị sự giáo hội phật giáo Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam đưa ra luận điểm chứng minh việc khôi phục và phát triển Phật giáo sẽ giúp khắc phục phần nào những tồn tại ở vùng phên dậu của tổ quốc: “Phật giáo đã có vai trò khẳng định là một tôn giáo hòa bình, khoa học và luôn chú trọng giáo dục chính pháp cho bà con. Phật giáo xâm nhập vào đời sống tâm linh của đồng bào, trước tiên là cùng sinh hoạt, sau đó dần dần đưa giáo lý đạo Phật phân tích cho bà con hiểu điều hơn lẽ phải;…tuyên truyền trong các buổi thuyết giảng để nhân dân nhận thức được và tự giác loại bỏ những điều lạc hậu. Khi đồng bào hiểu đạo Phật thì sẽ hạn chế việc chi phí cho các nghi lễ tốn kém như cúng giỗ, cúng thần linh, ma quỷ rườm rà…biết cách tiết kiệm đề phòng bất trắc, biết khắc phục và vượt qua khó khăn trước mắt, tiếp tục ổn định sản xuất, phát triển kinh tế lâu dài. Khác với các tôn giáo khác, Phật giáo dễ thích nghi với mọi nền văn hóa, là tôn giáo của hòa bình. Nên khi bà con thấm nhuần giáo lý đạo Phật, tính hòa hiếu của triết lí Phật giáo thì ở đó có sự đoàn kết trong cộng đồng, tạo thành bức tường thành vững chắc trong việc giữ gìn vùng biên cương.”

Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên cho biết, hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 3 tôn giáo: Phật giáo, Công Giáo, Tin Lành và một số hiện tượng mang tính chất tôn giáo.

Thời gian qua, các cấp chính quyền tỉnh luôn tôn trọng, đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo và không tín ngưỡng tôn giáo của nhân dân theo quy định của pháp luật. Các tổ chức, các chức sắc, tín đồ tôn giáo được tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động.

Cụ thể, tỉnh Điện Biên đã chấp thuận để giáo hội phật giáo Việt Nam thành lập giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Điện Biên, trực thuộc Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và là thành viên mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Điện Biên.

Đối với đạo Tin lành, chính quyền cơ sở đã cấp giấy chứng nhận đăng ký sinh hoạt cho 8 điểm nhóm. Đối với công giáo, tỉnh Điện Biên đang xem xét, nếu đủ điều kiện thành lập tổ chức tôn giáo trực thuộc, sẽ xem xét để Giáo phận được thành lập vào thời điểm thích hợp.

Bên cạnh đó, để từng bước đáp ứng nhu cầu cơ sở vật chất sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng, tâm linh gắn với hoạt động du lịch của nhân dân trong và ngoài tỉnh, tỉnh Điện Biên đã tạo điều kiện bố trí quy hoạch xây dựng các khu tâm linh để đồng bào có chỗ sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo tín ngưỡng tâm linh. 

Ông Phạm Dũng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ đã đề nghị các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý của các tăng ni, phật tử nêu những kiến nghị, đề xuất về những khó khăn và thuận lợi trong quá trình thực hiện các sinh hoạt tôn giáo trên địa bàn tỉnh Điện Biên cũng như trong cả vùng Tây Bắc. Trên cơ sở đó, Ban Tôn giáo Chính phủ sẽ tiếp thu để tham mưu với Đảng, Nhà nước những chủ trương, chính sách phù hợp với điều kiện thực tế ở từng địa phương, từng khu vực, đặc biệt tại những địa bàn có vị trí chiến lược trong đảm bảo quốc phòng, an ninh của đất nước.

Cho rằng đời sống tôn giáo vùng Tây Bắc tuy có những diện mạo mới nhưng cũng gặp nhiều thách thức, TS Nguyễn Quốc Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo kiến nghị: các tỉnh vùng Tây Bắc cần tạo điều kiện giúp đỡ cho hoạt động của các tôn giáo phù hợp với chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bên cạnh đó, Giáo hội cũng cần hỗ trợ, giúp đỡ cho các ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam của các tỉnh mới thành lập có được một hoạt động tốt hơn, nề nếp hơn và cung cấp nhân lực tốt hơn cho các tỉnh mới thành lập./.