Trao đổi với bên lề kỳ họp thứ 8 HĐND thành phố Hà Nội xung quanh việc quận Long Biên tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm thành lập quy mô khá rầm rộ (PV- triển khai xuống tận các phường và các hội, đoàn thể), dưới góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao - Du lịch nhìn nhận: Đối với lễ hội thì có những quy định, nhưng chúng ta mới đang tập trung vào lễ hội mang tính truyền thống, còn những lễ kỷ niệm mới như hiện nay chưa có những định hướng rõ nét.
Phó Giám đốc Sở VH-TT- DL Hà Nội - Nguyễn Khắc Lợi |
Chưa có hướng dẫn tổng thể về quy mô tổ chức lễ kỷ niệm
Theo ông Nguyễn Khắc Lợi, hiện giờ quy định việc quận làm đến đâu, thành phố làm đến đâu thì trong việc tổ chức lễ kỷ niệm chưa có hướng dẫn cụ thể. Nhưng không có nghĩa là bỏ mà khi phê duyệt các kế hoạch tổ chức thông thường, ngành văn hóa tham gia góp ý ở góc độ văn hóa, thể thao. Còn tổng thể quy mô, khả năng tổ chức của quận thế nào, ngành không tham gia mà chỉ tham gia cụ thể từng việc. “Chẳng hạn một chương trình văn nghệ là như thế này thì làm thế nào để cho có ý nghĩa, phù hợp thì ngành tham gia”.
Ông Lợi khẳng định, đến nay cả nước vẫn chưa có hướng dẫn quy định quy mô kỷ niệm, kinh phí đối với từng cấp (như cấp quận chẳng hạn). Tuy nhiên, vị Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL cho rằng đời sống xã hội phát triển thì chúng ta không nên “cứng” mà nên tổ chức như thế nào cho phù hợp. “Đây là cả một “đại vấn đề” cũng cần phải suy nghĩ không thể nói cụ thể ngay” - ông Lợi nói.
Cổng chào có mật độ dày tạo nhàm chán
Ngoài ra, trên địa bàn Hà Nội ở nhiều xã, huyện việc xây cổng chào đang trở thành phong trào. Quy mô mỗi cổng, mỗi nơi một khác nhau đã ít nhiều gây lãng phí tốn kém không cần thiết và tạo dư luận xấu trong nhân dân. Theo báo chí phản ánh, có nơi như ở huyện Đan Phượng chỉ trong vòng 1 năm (từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013) cùng với xây dựng nông thôn mới, ở huyện này đã có 106 cổng chào tại các xã được dựng lên.
Một cổng chào ở huyện Đan Phượng |
Bình luận về vấn đề này, ông Lợi cho hay: Xây dựng công trình cổng chào, các địa phương cũng muốn thể hiện nét riêng về khu vực của mình, nhưng làm sao việc xây dựng đừng để trùng lặp về hình thức và cũng không nhất thiết phải có cổng mà chỉ cần một hình tượng, quy mô phù hợp mang tính văn hóa, tính thẩm mỹ, tính truyền thống thậm chí mang những nét thuộc về địa phương. Việc xây dựng cổng chào với mật độ dày (như ở QL 32 đoạn Hoài Đức đến Phú Thọ) tuy không chiếm nhiều không gian nhưng đã gây nên sự nhàm chán.
Theo dự kiến, Sở Văn hóa- Thông tin - Du lịch sẽ có kế hoạch đưa cổng chào thành công cụ đổi mới tuyên truyền cổ động trực quan, phục vụ nhiệm vụ chính trị-xã hội. Lúc ấy, Sở VH-TT-DL sẽ có định hướng. Tuy nhiên không phải cho tất cả từ chi tiết hình thức, nội dung về xã, nhưng sẽ có những vị trí xác định như: vị trí giáp ranh giữa các tỉnh, đầu nút giao thông, đường dẫn lên cầu, khu trung tâm, khu đô thị mới… Hướng của quy hoạch này là tạo ra các cụm tuyên truyền chứ không chỉ là cái cổng đơn lẻ. Ở đấy có thể là những tấm lớn, những hình tượng đẹp như thế sẽ bớt đi được những chi phí dàn trải và tập trung được vào mục tiêu.
“Nội dung này định hướng sẽ đưa vào quy hoạch, dự kiến vào năm 2014. Từ quy hoạch sẽ có hướng dẫn chi tiết” - ông Lợi cho biết./.