Sáng 25/9, phát biểu kết luận tại hội nghị giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy HĐND – UBND TP Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý 3/2017, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải nêu rõ: liên quan đến công tác phòng cháy chữa cháy, HĐND TP đã nói rất nhiều lần nhưng tình hình cháy nổ vẫn rất xấu.

Cháy nổ vẫn diễn ra rất nghiêm trọng

Năm 2015, Hà Nội có 776 vụ cháy, chết 8 người; năm 2016 có 831 vụ cháy, chết 19 người (tăng 11 người) và năm 2017 cộng thêm 2 người chết nữa. Điều này rất là đau đớn.

“Chúng ta đã tăng cường quản lý cán bộ và tăng cường công tác kiểm tra suốt từ năm 2016 đến nay, nhưng tình hình vẫn diễn ra rất nghiêm trọng. Vừa qua, tôi đã có cuộc họp với Sở cảnh sát phòng cháy chữa cháy, đưa ra một kế hoạch rất mạnh mẽ và đề nghị các đồng chí phải triển khai quyết liệt” - Bí thư Hoàng Trung Hải nhấn mạnh.

Theo đó, phải đưa ra một khái niệm nữa là mỗi hộ dân phải xây dựng cho mình một phương án an toàn về phòng cháy chữa cháy.

 “Không phải chúng ta vận động người dân mua 2 bình phòng cháy chữa cháy để trong nhà là xong mà mỗi hộ dân phải biết được nếu nhà mình có cháy thì phát hiện bằng cách nào? Khi nhà chúng ta bị cháy chúng ta mới thấy đau đớn, trường hợp 2 cháu bé ở Mỹ Đức là một ví vụ. 2 cháu bé đã ra đến hành làng của tầng 4 rồi mà vẫn không cứu thoát được”- Bí thư nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy đề nghị PCCC cùng với cấp chính quyền phải làm quyết liệt hơn nữa trong công tác phòng cháy chữa cháy. “Các vị báo cáo 500.000 nhà ống, trong đó có 120.000 nhà có kinh doanh sản xuất. Đây là những đối tượng hết sức nguy hiểm. Tôi đề nghị các quận, huyện cùng phòng cháy chữa cháy làm quyết liệt. Để cho vụ cháy xảy ra, trước hết các lãnh đạo quận, huyện trực tiếp lãnh đạo phải chịu trách nhiệm. Vì vậy, chúng ta phải rà soát kỹ các trường hợp này”- Bí thư Hoàng Trung Hải cho biết.

Bên cạnh đó, ông Hoàng Trung Hải đề nghị lực lượng phòng cháy chữa cháy phải tăng cường công tác huấn luyện.Từng cơ sở sản xuất, từng nhà dân phải có phương án thoát hiểm riêng của mình cũng như khuyến khích người dân mua thiết bị báo cháy.

Bí thư nói: “Vụ cháy xảy ra ở Chương Mỹ là cơ sở sửa chữa xe máy, tầng 1 sữa xe máy, tầng 2 để thiết bị phụ tùng xe máy. Anh Chung (Chủ tịch UBND TP) nói chỉ cần cháy cái lốp cũng đã đủ chết người vì khói của nó vô cùng nguy hiểm. Những trường hợp như thế rất là đau đớn”.

Tại hội nghị, đại diện huyện Chương Mỹ đã báo cáo về tình hình cháy nổ trên địa bàn, trong đó có 1 vụ cháy ngôi nhà 5 tầng (diện tích 120m2) xảy ra sáng sớm này làm 2 bé gái là con của chủ nhà ngủ ở tầng 4 không chạy kịp đã bị tử vong, một cháu sinh năm 2001 và một cháu sinh năm 2006.

hoi_nghi_25_9_rmok.jpg
Toàn cảnh hội nghị trực tuyến Thành ủy.
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy, lãnh đạo huyện trực tiếp xuống hiện trường, huy động lực lượng phòng cháy chữa cháy của huyện phối hợp với Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy thành phố Hà Nội đến hiện trường dập lửa, tổ chức cứu nạn. Đến hơn 8h sáng nay vụ cháy đã hoàn toàn được khống chế. Hiện nguyên của vụ cháy đang được điều tra.

Hà Nội: trung bình từ 600- 800 vụ cháy/năm

Trong khi đó, báo cáo tại hội nghị, Giám đốc Sở PCCC Hà Nội Hoàng Quốc Định cho biết: qua thống kê số vụ cháy hàng năm cũng như hậu quả thiệt hại về người và tài sản cho thấy vẫn có dấu hiệu gia tăng, trung bình từ 600- 800 vụ cháy/năm và còn xảy ra hàng trăm sự cố tai nạn rủi ro trong cháy, nổ; sập đổ công trình; trong thiên tai, bão, lũ; trong tai nạn giao thông, đuối nước, sự cố thang máy nhà cao tầng… phải tổ chức cứu nạn, cứu hộ.

Cụ thể: trong 9 tháng của năm 2017, trên địa bàn TP đã xảy ra 590 vụ cháy, trong đó có 7 vụ gây thiệt hại về người; 5 vụ cháy gây thiệt hại lớn về tài sản, 112 vụ cháy trung bình, 446 vụ cháy nhỏ và 20 vụ cháy rừng. Thiệt hại về người làm 17 người chết, 08 người bị thường; ước tính trên 170 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản tăng 70 tỷ đồng.

Đáng chú ý đã xảy ra một số vụ hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như: vụ cháy Quán Karaoke 68 Trần Thái Tông, quận Cầu Giấy vào ngày 1/11/2016 làm 13 người chết; vụ cháy tại cơ sở sản xuất chocolate kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức ngày 29/7/2017 làm 8 người chết...; vụ CNCH sập nhà tại 43 Cửa Bắc, quận Ba Đình xảy ra ngày 4/8/2016 làm chết 2 người.

Địa bàn xảy ra cháy tập trung nhiều ở các quận nội thành (chiếm khoảng 75%). Chủ yếu ở các doanh nghiệp kinh tế tư nhân và nhà dân (chiếm từ 75% đến 80%). Số vụ cháy lớn chỉ chiếm từ 01 đến 02% nhưng thiệt hại chiếm khoảng 80 đến 85% do xảy ra tại các địa điểm tập trung đông người như nhà cao tầng, quán karaoke, nhà hàng, quán ăn.

Theo ông Định, qua điều tra cơ bản, tính đến 15/5/2017, địa bàn thành phố có 43.286 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có: 8 khu công nghiệp, 1 khu công nghệ cao, 86 cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; 994 nhà, công trình cao tầng và 33 trung tâm thương mại; 1 cảng hàng không; 4 cơ sở vật liệu nổ công nghiệp; hàng chục km đường ống dẫn xăng dầu đi qua; có trên 23.000 ha rừng....

Đặc biệt, Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn,... Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản./.