Thái Nguyên hiện có 1.269 công trình thuỷ lợi các loại. Trong đó, có nhiều công trình đang trong tình trạng xuống cấp do thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa gây nguy cơ gây mất an toàn trong mùa mưa lũ.
Sau sự cố thấm thân đập hồ Núi Cốc đầu tháng 6 vừa qua, dự án nâng cấp, cải tạo công trình này vẫn đang trong quá trình thẩm định, trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên phê duyệt.
Theo dõi nước thấm tạo một trong những điểm gặp sự cố trên thân đập hồ Núi Cốc |
Lý giải về việc này, ông Nguyễn Công Thịnh, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi tỉnh Thái Nguyên cho biết, việc thẩm định và lựa chọn phương án kỹ thuật xử lý sự cố phải được thực hiện thận trọng, đảm bảo mức độ an toàn cao nhất sau khi khắc phục. Theo tiến độ, khi đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ kỹ thuật và trình các cơ quan chuyên môn của tỉnh Thái Nguyên thẩm định xong, thì sẽ triển khai thi công vào cuối tháng 8.
Ông Nguyễn Công Thịnh cho biết: “40 hồ chứa do công ty quản lý còn 5 hồ xuống cấp đã trình hồ sơ đề nghị nâng cấp sửa chữa tuy nhiên do thiếu kinh phí và thủ tục đầu tư trung hạn đến thời điểm hiện nay vẫn chưa thực hiện được, gây nhiều khó khăn trong đảm bảo an toàn khi vận hành và khai thác. Công ty đã phải huy động thêm nhân lực thường xuyên theo dõi kiểm tra các sự cố để kịp thời xử lý khi có tình huống xấu”.
Nước vẫn rò rỉ qua thân đập chính hồ Núi Cốc |
Trong đợt mưa lũ đầu tháng 7 vừa qua, công trình thủy lợi hồ Núi Cốc đã phải xả tràn thoát lũ với lưu lượng gần 200 mét khối/giây, thân đập vẫn an toàn trong đợt mưa lũ vừa qua.
Các hồ chứa nước lớn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên như: Núi Cốc, Gò Miếu, Bảo Linh, Quán Chẽ, Nước Hai đều được xây dựng trên 40 năm, nhưng chưa được đầu tư nhiều để nâng cấp nên tiềm ẩn nhiều rủi ro trong mùa mưa bão.
Các hồ chứa nhỏ có tình trạng còn xuống cấp hơn như: Hồ Hố Chuối (huyện Đồng Hỷ), Nà Tấc (huyện Định Hóa), Cây Si (thành phố Thái Nguyên), nhiều hạng mục bị xói mòn cả trên mặt và thân đập, mái thượng lưu bị lún sụt không ổn định, hiện tượng rò rỉ thấm nước qua thân đập ngày càng tăng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ là rất cao…
Anh Nguyễn Văn Doanh, người dân ở hạ lưu hồ thủy lợi Khuôn Nanh, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ cho biết, người dân kiến nghị nhiều lần nhưng hồ vẫn chưa được sửa chữa. Bao nhiêu năm nay, bờ hồ bị rò thấm nước nhiều. Đợt mưa lớn đầu tháng 7, nước xuống rất nhanh, trong khi hồ rò rỉ khiến nước tràn vào ruộng lúa của người dân. Nhiều lần người dân cũng đã kiến nghị với đơn vị quản lý hồ giải quyết tu sửa để bà con yên tâm sản xuất.
Núi tràn qua kênh dẫn nước đã xuống cấp ở hồ Khuôn Nanh - Đại Từ. |
Theo ông Nguyễn Văn Bắc, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Thái Nguyên, do nguồn kinh phí còn hạn chế nên nhiều công trình không thể đầu tư đồng bộ, một số hồ chứa, đập dâng, kênh mương chưa được khắc phục sửa chữa, đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ. Nhiều công trình xuống cấp đã phải hạn chế tích nước để đảm bảo an toàn, các đơn vị đã phải tăng cường thêm cán bộ kiểm tra, giám sát phát hiện sự cố.
“Các hồ chứa xuống cấp không được bố trí nguồn vốn khắc phục sớm sẽ không phát huy được hiệu quả phục vụ sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an toàn tính mạng người dân và các công trình ở hạ du các hồ chứa khi xảy ra mưa lũ và trước tác động cực đoan của biến đổi khí hậu. Các giải pháp hiện nay chỉ là tạm thời chứ chưa thể khắc phục triệt để.
Sạt trượt mái thượng lưu công trình thủy lợi Khuôn Nanh - Đại Từ |
Trước tiên, địa phương chỉ đạo các đơn vị quản lý thủy lợi ở địa phương thực hiện nghiêm túc “phương châm 4 tại chỗ”, sẵn sàng vật tư, giả định các tình huống xấu nhất để ứng phó mưa lũ”- ông Nguyễn Văn Bắc nói.
Các đợt mưa lũ trong tháng 7 đến nay gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Riêng tỉnh Thái Nguyên đã có 5 trong tổng số 6 người chết do mưa lũ cuốn trôi. Trong đó, có 4 người chết trong 1 gia đình vào đêm ngày 7/7 khi đi qua cầu tràn tại xã Linh Thông, huyện Định Hóa, 1 người chết bị lũ cuốn trôi tại huyện Phú Lương. Đây chính là cảnh báo trong công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Thái Nguyên.
Thực tế cho thấy cần sớm nâng cấp, sửa chữa các hồ chứa ở tỉnh Thái Nguyên, đừng để sự việc đến lúc “Mất bò mới lo làm chuồng”./.
Nhiều thôn xã ở Quảng Ninh bị ngập úng, cô lập do mưa lũ
Chùm ảnh: Khắc phục hậu quả mưa lũ ở Mường La