Sau lũ đã 1 tháng nay, nhưng hàng chục hộ dân với hàng trăm nhân khẩu tại các bản làng vùng sâu của 2 huyện Tương Dương và Kỳ Sơn của tỉnh Nghệ An vẫn trong tình trạng “màn trời chiếu đất”. Người dân vẫn phải làm lán tạm bên các sườn núi hoặc bên đường đi vì không có tiền và vật liệu xây dựng lại nhà.

Tại xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, có 65 hộ đã di dời trước lũ nhưng sau khi Thủy điện Bản Vẽ xả lũ lại có thêm 34 hộ nữa bị ảnh hưởng, đến nay vẫn chưa thể có nhà ở. Hàng chục hộ phải dựng lều ở tạm ven các sườn núi hoặc bên đường đi, vì khu quy hoạch tái định cư chưa hoàn thành. Nhiều hộ vẫn phải đi ở nhờ nhà người thân.

vov_leu_iwvq.jpg
Sau lũ 1 tháng nay, hàng chục hộ dân ở huyện Tương Dương vẫn dựng lều tạm trong chồng chất khó khăn thiếu thốn.
Ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết, đang làm tờ trình đề nghị UBND tỉnh cho chủ trương di dời 34 hộ theo phương án đã lập, còn 31 hộ phát sinh sau lũ, huyện chỉ mới tạm trích ngân sách dự phòng hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng để bà con tạm ổn định cuộc sống.

Theo ông Nhất, cái khó nhất của huyện hiện nay là kinh phí để làm khu tái định cư mới cho các hộ dân nói trên. Trước mắt, UBND huyện đang tích cực vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ dân về lương thực và nhu yếu phẩm cần thiết để ổn định cuộc sống, đồng thời đề xuất tỉnh Nghệ An sớm có giải pháp hỗ trợ người dân trong việc tái định cư.

“Lương thực huyện không để cho nhân dân đói khi có chính sách hỗ trợ của nhà nước về gạo đối với những vùng khó khăn. Huyện rất xót xa khi nhìn dân phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất” nhưng nguồn lực của huyện cũng không có khả năng để thực hiện”, ông Nhất cho biết.

Còn tại huyện Kỳ Sơn, nhiều hộ dân ở các xã Mường Típ, Mường Ải cũng phải làm lán tạm trú bên rừng và đang gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống. Bên cạnh sự nỗ lực của huyện, sự giúp đỡ của các nhà thiện nguyện, bộ đội Biên phòng đóng trên địa bàn cũng tích cực giúp dân dọn dẹp nhà cửa, san ủi bùn đất, làm lán tạm. Bên cạnh đó tích cực vận động nhân dân tăng gia sản xuất, trồng các loại rau màu ngắn ngày nhằm chống đói giáp hạt.

Thượng tá Nguyễn Đình Viên, Đồn trưởng đồn Biên phòng Mường Típ cho biết, tại một số nơi bị sạt lở, nhân dân vẫn đang còn ở tạm, chưa khắc phục được vì đất đá lở quá nhiều. Khó khăn nhất là giao thông đi lại vì bị sạt lở nghiêm trọng. Đồn Biên phòng phối hợp chính quyền địa phương động viên và hướng dẫn cho bà con đảm bảo cho giáp hạt như trồng rau, đặc biệt những cây ngắn hạn như bầu, bí, mướp…/.