2 năm trước, ông A Lăng Nhơn, người dân tộc Cơ Tu, ở thôn K8, xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang thuộc diện hộ đặc biệt nghèo, cuộc sống lúc nào cũng thiếu trước hụt sau. Để lo cho cái ăn, hàng ngày, vợ chồng ông Nhơn lên rừng làm rẫy rồi trồng thêm cây sắn, củ khoai nhưng cũng chỉ đắp đổi qua ngày.

Quyết tâm thoát nghèo, ông A Lăng Nhơn mạnh dạn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội đầu tư mô hình trang trại, được chính quyền địa phương hỗ trợ thêm giống vịt, rồi dần dà mở rộng chuồng trại chăn nuôi gà vịt, heo đen và đào ao thả cá, kết hợp trồng vườn mít… Hiện nay, mô hình trang trại chăn nuôi của ông Nhơn đã cho thu nhập hiệu quả, được nhiều người đến tham quan, học hỏi. Ông A Lăng Nhơn phấn khởi kể, nay ông còn bày cách làm ăn cho đồng bào địa phương.

“Mình bán heo, bán gà, cá quanh năm. Trước đây thì khó làm rẫy làm nương, giờ nuôi heo làm trại hiệu quả, mình để dành trong gia đình, đủ cơm no áo ấm và con cái học hành. Mình chịu khó lấy ngắn nuôi dài. Tương lai mở rộng nuôi dê, trồng mít lấy lá và trái nuôi dê phát triển và heo. Hiện nay đã thoát nghèo 2 năm rồi”, ông A Lăng Nhơn chia sẻ.

Tại xã Sông Kôn, huyện miền núi Đông Giang, tỉnh Quảng Nam có nhiều người đồng bào dân tộc Cơ Tu đã biết vượt khó làm giàu như hộ ông A Lăng Nhơn. Trước đây, bà con chủ yếu duy trì sản xuất theo tập quán cũ, thiếu vốn đầu tư cũng như chưa có mô hình liên kết chăn nuôi hiệu quả. Được chính quyền quan tâm hỗ trợ, nhiều hộ đã biết cách làm ăn vượt khó làm giàu. Điển hình như bà A Lăng Thị Nghinh, ở xã Sông Kôn. Năm 2020, bà Nghinh được địa phương hỗ trợ 100 con giống vịt lấy trứng để phát triển sinh kế. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên đàn vịt sinh trưởng tốt, hiện nay mô hình này đem lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.

Ông A Rất Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Sông Kôn, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam cho biết, nhiều hộ đồng bào Cơ Tu tiếp cận được kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả mà còn thay đổi cách nghĩ từ “nuôi để ăn” sang nuôi để làm kinh tế.

“Bà con sinh sống ở đây chủ yếu dựa vào nương rẫy. Tại địa phương rất nhiều chương trình hỗ trợ, nhất là mô hình nuôi ngan đang triển khai, bà con rất phấn khởi, được tập huấn các kỹ năng và làm đúng hướng dẫn kỹ thuật tạo thu nhập. Sẽ nhân rộng mô hình này để bà con ít đi làm xa. Bà con rất hưởng ứng và biết vươn lên làm giàu, tăng thêm thu nhập cho gia đình”, ông A Rất Trung cho hay.

Những năm gần đây, cùng với việc xây dựng các mô hình kinh tế trang trại kết hợp nông - lâm nghiệp, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam tập trung phát triển kinh tế tổ hợp tác theo nhóm hộ liên kết, chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi, cải tạo vườn tạp và phát triển kinh tế vườn đem lại hiệu quả cho bà con đồng bào dân tộc. Nhiều hộ dân có thu nhập ổn định từ vài chục triệu lên đến vài trăm triệu đồng/năm.

Theo ông A Vô Tô Phương, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang, địa phương đã lồng ghép từ nhiều chương trình hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, từng bước cải thiện đời sống. Hiện nay, hộ nghèo ở huyện Đông Giang chiếm tỷ lệ khoảng 20,2%, phấn đấu đến năm 2025 giảm xuống dưới 10%.

“Tỉnh có rất nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, HTX kể cả người dân đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt, Nghị quyết HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại, bà con mà có diện tích vườn trên 1.000 mét đều được hỗ trợ vật tư kỹ thuật, cây giống, con giống. Đối với các trang trại hỗ trợ nhiều hơn. Cần có các doanh nghiệp đầu tàu dẫn dắt. Tỷ lệ hộ nghèo hiện nay phấn đấu một năm giảm từ 2% đến 3%”, ông A Vô Tô Phương cho hay.

Ông A Lăng Mai, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam cho biết, hàng năm, tỉnh Quảng Nam hỗ trợ hơn 2.000 hộ dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi về vốn vay ưu đãi, cung ứng giống cây trồng, hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt…giúp họ mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên làm giàu.

“Tham mưu cho Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh ban hành các Nghị quyết, chủ trương về chính sách, nguồn vốn của tỉnh để hỗ trợ cho vùng đồng bào miền núi tỉnh Quảng Nam. Ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng, chú trọng hỗ trợ phát triển sinh kế, an sinh xã hội cho vùng đồng bào. Hỗ trợ con giống như chăn nuôi heo, dê, gia cầm. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi, trực tiếp các hộ hưởng lợi vùng đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện phát triển kinh tế hộ, góp phần cho việc nâng cao thu nhập, xoá đói giảm nghèo bền vững”, ông A Lăng Mai chia sẻ./.