Hôm nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã có chuyến khảo sát tình hình sản xuất, kinh doanh tại làng nghề Gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh và làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Đoàn công tác đã trực tiếp tới thăm các cơ sở sản xuất gốm của gia đình ông Đỗ Hữu Nhâm và anh Nguyễn Minh Ngọc, xã Phù Lãng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh; Khảo sát các hộ sản xuất đồ thờ làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Thực tế khảo sát cho thấy, khó khăn của các làng nghề Phù Lãng, Sơn Đồng chính là khó khăn chung của các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và Hà Nội. Điển hình như tại tỉnh Bắc Ninh, trong 62 làng nghề trên địa bàn tỉnh thì có 30 làng phát triển tốt, 20 làng nghề hoạt động cầm chừng, có đến 12 làng nghề hoạt động khó khăn có nguy cơ mai một như làng gốm Đoàn Kết, Phấn Trung, làng tranh Đông Hồ, làng Vát làm dao, kéo. Lý do là vì những sản phẩm làm ra của các làng nghề không còn phù hợp với thị trường, bị cạnh tranh gay gắt với các sản phẩm công nghiệp.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác, nhiều ý kiến đại diện các cơ sở, hộ sản xuất làng nghề gốm Phù Lãng, làng nghề mỹ nghệ Sơn Đồng đề nghị các cấp, các ngành tạo điều kiện để các làng nghề phát triển, như có cơ chế chính sách ưu đãi cho người dân sản xuất; định hướng quảng bá và giới thiệu về sản phẩm trong và ngoài nước. Tạo điều kiện để các hộ gia đình có đầu ra tiêu thụ sản phẩm mang tính ổn định bền vững. Đặc biệt, các hộ rất cần vốn để phát triển sản xuất.
Từ thực tế khảo sát tại làng nghề gốm Phù Lãng, làng mỹ nghệ Sơn Đồng, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, muốn phát triển làng nghề, nhất định phải có sự hợp tác làm ăn giữa những người dân làng nghề. Không thể để người dân tự phát triển một cách manh mún mà phải có các hợp tác xã hoặc hiệp hội liên kết, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khoăn trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, phải tìm giải pháp để làng nghề phát huy những giá trị truyền thống nhưng đồng thời phải thích nghi được với cuộc sống hiện đại.
Ông Nguyễn Thiện Nhân nói: “Khi thực hiện hội nhập, phải hình thành pháp nhân để có giao dịch song phẳng trên thị trường, hiện nay có 2 loại là công ty và hợp tác xã. Bản chất công ty thì gia đình làm chủ, thuê thêm lao động nhưng Hợp tác xã khác hoàn toàn. Hợp tác xã là các hộ cùng làm việc song song nhưng liên kết lại để làm”./.