Chiều 18/12, UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung họp các sở, ngành, quận huyện để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí trên địa bàn thành phố.

xe_rua_duong_coxr.jpg
Hà Nội dừng rửa đường để tiết kiệm kinh phí từ năm 2016.

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Nguyễn Thị Nắng Mai cho rằng, trên địa bàn quận, hiện cũng có nhiều công trình lớn như đường sắt trên cao, đường vành đai 3 phát sinh nhiều bụi. Bà Nắng Mai kiến nghị được tưới nước rửa đường trên 15 tuyến đường chính. Hiện, Sở Xây dựng đã thống nhất ý kiến kiến nghị lên thành phố.

 Chủ tịch UBND quận Đống Đa Võ Nguyên Phong cũng đề xuất tưới nước rửa đường từ 2 – 3 lượt/tuần đối với các tuyến phố chính của quận. Quận cũng tiến hành xử phạt đơn vị đang cải tạo vỉa hè nhưng chưa đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công. Theo lãnh đạo quận Đống Đa, trên địa bàn quận còn 1.500 hộ đun than tổ ong, là một trong những nguồn gây ô nhiễm không khí.

Lãnh đạo UBND quận Hoàng Mai cũng đồng tình đề nghị được rửa hai tuyến đường trọng điểm trên địa bàn quận.

Chi cục trưởng Chi cục Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái đề xuất thành phố cho phép khuyến cáo người dân khi chỉ số bụi cao hơn 300, có thông báo đến Sở GD-ĐT cho học sinh nghỉ học bởi mức này nguy hại tới sức khỏe.

Theo Sở TN- MT Hà Nội, dữ liệu từ hệ thống 11 trạm quan trắc không khí do Sở TN&MT quản lý, vận hành, cho thấy: “Số ngày chất lượng không khí tốt đang có xu hướng giảm qua các năm 2017 – 2019, số ngày chất lượng không khí chạm mức kém, xấu, rất xấu có xu hướng tăng. Ô nhiễm không khí có xu hướng tăng cao nhất từ 5h đến 12h sau đó giảm nhẹ vào trưa chiều và tăng lên vào ban đêm”.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã xuất hiện 6 đợt ô nhiễm không khí kéo dài trung bình từ 5 – 10 ngày, chất lượng không khí ở mức kém, xấu và rất xấu, trong đó đợt ô nhiễm cao điểm nhất là đầu tháng 12, từ ngày 8/12 đến 14/12, chất lượng không khí thường xuyên ở mức xấu và rất xấu.

Sở TN-MT Hà Nội cũng đề xuất nhiều giải pháp để xử lý tình trạng ô nhiễm không khí, trong đó đề xuất Bộ TN&MT kiểm soát các tác động ô nhiễm không khí xuyên biên giới; rà soát các loại hình sản xuất công nghiệp phát sinh khí thải; Bộ GTVT sớm ban hành quy chuẩn khí thải với ô tô, xe máy; đặc biệt các tỉnh lân cận Hà Nội như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Giang, Vĩnh Phúc…

Trước đó, nhằm tiết kiệm ngân sách và cơ giới hóa việc vệ sinh môi trường, từ năm 2016, Hà Nội cho nhập hơn 100 xe hút bụi, quét rác. Cùng với đó, thành phố Hà Nội cũng dừng hạng mục tưới nước rửa đường. Tại thời điểm đó, trong buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, mỗi chiếc xe quét rác, hút bụi bằng 12 công nhân làm việc. Qua việc cơ giới hóa như vậy, mỗi năm thành phố không phải chi khoảng 70 tỷ đồng tưới nước, rửa đường.

Cùng với việc tiếp nhận các xe quét, hút bụi đường, Hà Nội cũng cắt giảm việc rửa đường bằng xe bồn. Đến tháng 2/2017, UBND thành phố Hà Nội tiếp tục có thông báo nhắc lại việc không tổ chức rửa đường mà tăng cường công suất quét hút. Trong các gói thầu vệ sinh đường phố năm 2017, hạng mục rửa đường đã được cắt bỏ. Hiện nay, thành phố chỉ rửa đường trong các dịp hội nghị quan trọng hoặc khi nắng nóng trên 40 độ (phun để giảm nhiệt độ mặt đường)./.