Trừ những ngày mưa gió thất thường hoặc bệnh già hành hạ, còn thì thường vào khoảng 7h sáng, nhiều người ở khu tập thể 128C Đại La của Đài Tiếng nói Việt Nam (TNVN) lại thấy một ông già mảnh khảnh, gầy gò đi tập thể dục từ công viên Thống Nhất trở về, dừng lại trước một sạp báo để chọn mua một tờ về đọc. Dáng đi ấy đã trở nên thân thuộc với bà con nơi đây đã hàng chục năm nay.
Hỏi ông về làm báo hiện đại, ông thoáng cười, nụ cười đôn hậu dễ làm người đối diện yên tâm tin cậy: “Các cậu bây giờ làm báo cũng có nhiều cái thuận lợi: công nghệ, phương tiện đi lại, điều kiện tác nghiệp đều tốt hơn thời chiến tranh, những lúc đất nước còn khó khăn. Nhưng cũng có cái khó là môi trường cạnh tranh khốc liệt, nhiều cạm bẫy. Thông tin nhanh thì chưa đủ, điều cơ bản nhất là thông tin phải đảm bảo tính trung thực, trung thực với sự kiện, trung thực với nhân dân và trung thực với chính mình”.
Ông vẫn vậy, ở tuổi 81, những lằn ranh của thời gian đã in đậm trên khuôn mặt, dẫu dáng đi có chậm, đôi tay có phần đã mỏi, song ông vẫn luôn khiến người đối diện ngạc nhiên bởi sự minh mẫn và lòng nhiệt tình của người cầm bút. Ông là nhà báo Trần Thiên Nhiên
Nhiều năm là phóng viên thời sự của Đài TNVN, tên tuổi của ông đã in đậm trong trí nhớ nhiều thế hệ thính giả của Đài, gắn liền với những sự kiện lớn của đất nước trong từng thời kỳ, trong chiến tranh cũng như trong hòa bình xây dựng.
Nhà báo Trần Thiên Nhiên |
Bài báo đầu tiên
Tôi đến thăm ông vào một buổi sáng đầu tháng 8 năm 2013 và được ông kể cho nghe về bài phóng sự đầu tiên của ông được phát trong chương trình thời sự của Đài TNVN cách đây 41 năm, vào những ngày diễn ra trận Điện Biên Phủ trên không.
Hồi đó ông chỉ là một “tân binh” vì mới được Ban Tuyên huấn Trung ương điều về tăng cường cho Đài và được Đài phân công làm phóng viên phòng thời sự miền Bắc chưa được nửa tháng và đang trong thời gian “thử việc”. Vào khoảnh 9h sáng một ngày cuối tháng 12 năm 1972, ông đang ngồi đọc báo thì trưởng phòng là nhà báo Nguyễn Văn Hối đi giao ban về bảo ông: “Sáng nay, F111 ném bom hủy diệt khu lao động An Dương ở bờ sông. Anh đến ngay nắm tình hình viết bài phát chiều nay”. Nghe lệnh, ông giật mình vội nói: “Tôi vừa mới về Đài chưa quen việc, xin anh cử người khác và cho tôi theo để học tập”.
Không trả lời, ông trưởng phòng lặng lẽ xách túi đi họp, để lại sau lưng một câu nói: “Không còn người đâu. Cứ đi, thấy gì, nghe gì, nghĩ gì viết thế”.
Thấy ông lúng túng, chị đồng nghiệp Hoàng Thu Khiêm mở tủ, lấy ra một cái máy ghi âm (gọi là máy R5), hướng dẫn qua cách sử dụng rồi nói: “Xe trực đang chờ ngoài cổng, đi ngay thì mới kịp phát chiều nay”.
Đến nơi, một cảnh tượng thảm khốc bày ra ngay trước mặt ông. Khu dân cư nghèo phần lớn là nhà tre nứa lá cháy trụi, khói bốc khét lẹt. Giữa sân là 10 cỗ quan tài khói nhang nghi ngút, hòa lẫn với tiếng khóc của người thân các nạn nhân khiến ông bật khóc. Ông mở máy ghi âm, phỏng vấn nhanh vài người, rồi vội vàng lên xe trở về cặm cụi viết và chỉ hơn nửa tiếng sau bài viết hoàn thành với tựa đề “An Dương kêu gọi trả thù”.
Nộp bài, quan sát thái độ trưởng phòng thấy ông Hối đọc rất kỹ, lật đi lật lại từng trang, trầm ngâm suy nghĩ. Hồi lâu, ông Hối mới cầm bút đề ngay dưới tên bài báo dòng chữ “phóng sự thu thanh của Trần Thiên Nhiên – Phóng viên Đài TNVN” kí duyệt và trả lại với một lời nhận xét ngắn gọn: “Được”!
Chiều hôm đó, mở đài, nghe phát thanh viên Việt Khoa đọc bài viết của mình, những hình ảnh đau thương mà ông đã chứng kiến lại hiện lên, nước mắt ông lại trào ra.
Hồi đó, chưa có trường báo chí riêng, thế hệ nhà báo như ông hầu hết được đào tạo từ khoa Ngữ Văn của trường Đại học Tổng hợp (nay là trường Đại học Quốc gia) và Đại học Sư phạm, nên không biết nhiều về cách viết một bài phóng sự báo chí, nhất là phóng sự thu thanh. Chính câu nói “Cứ đi đi, đi đến tận nơi, nghe gì, thấy gì, nghĩ gì thì viết thế” của ông trưởng phòng là bài học vỡ lòng đầu tiên về nghề làm báo của ông kéo dài mấy chục năm sau đó.
Loạt bài viết phát trên chương trình thời sự của các nhà báo Đài TNVN những ngày tháng đó đã gây xúc động mạnh trong lòng thính giả, cỗ vũ toàn dân tộc vượt qua gian khổ, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Và cũng từ đấy, cái tên Trần Thiên Nhiên xuất hiện liên tục trên làn sóng phát thanh của Đài quốc gia, nhanh chóng gây được sự chú ý của dư luận.
Kể đến đây, ông mỉm cười:
- Bây giờ nghĩ lại thấy hồi đó mình ra mắt thính giả cũng không đến nỗi tồi.
Nghe ông nói vậy, tôi nói:
- Và chia tay với thính giả để bước vào tuổi 80 cũng là một bài viết “12 ngày đêm năm ấy” đăng trên báo VOV năm 2012 với tư cách là một nhân chứng lịch sử?
- Đúng vậy, mở đầu và kết thúc cuộc đời làm báo ở Đài TNVN của tôi đều xoay quanh sự kiện B52 năm 1972.
Tuy đã nghỉ hưu, nhưng nhà báo Trần Thiên Nhiên vẫn giữ thói quen đọc và viết hàng ngày |
Những kỷ niệm buồn vui đời nhà báo…
- Nghe nói, khi còn trẻ ông đi nhiều lắm?
- Đi nhiều, viết nhiều, đi liên tục, viết liên tục. Một tuần sau giải phóng Sài Gòn đã có mặt ở Bến Tre, đất mũi Cà Mau. Năm 1979 theo Quân đoàn 4 vào Phnôm Pênh viết loạt bài đầu tiên phát trên sóng đối nội và đối ngoại của Đài về sự hồi sinh của dân tộc và đất nước Campuchia. Làm báo mà không chịu đi thì sao gọi là nhà báo nữa.
- Và kết quả của những chuyến đi đó là các bài “Sự kiện hàng Đào”, “Tặng Đảng cái bằng khen”, “Trận Him Lam, điều chưa nói tới”, “Con kiến mà kiện củ khoai”, “Sắc xuân đến với nông trường sông Hậu”, “Bom nguyên tử và quyền con người”, tùy bút “Từ giây phút này đây, hỡi sông Đà”…?
- Đúng vậy, đằng sau những bài báo đó là những kỷ niệm buồn vui không thể nào quên của cuộc đời làm báo.
- Nghe nói, chuyến đi Liên Xô phản ánh sự kiện anh hùng Phạm Tuân lên vũ trụ của đoàn nhà báo phát thanh truyền hình, máy bay bị trục trặc?
Ông hơi ngạc nhiên, hỏi lại tôi:
- Ai nói mà cháu biết? Ngồi trên máy bay chẳng biết gì, chỉ thấy máy bay bay rất thấp, lòng vòng quanh thành phố, mãi sau mới hạ cánh nhưng không phải ở sân bay chính mà là sân bay nhỏ ở ngoại ô Matxcova. Từ máy bay nhìn ra, đã thấy hàng chục chiếc xe cứu hỏa đang túc trực sẵn, đèn đỏ nhấp nháy liên tục, chỉ có vậy thôi.
- Hình như ông được nói chuyện với anh hùng Phạm Tuân lúc ấy đang ở trên vũ trụ. Ông nói gì với anh hùng Phạm Tuân?
- Người dưới đất nói chuyện với người đang bay trên trời, có nói gì được nhiều đâu. Mình hỏi ông ấy khi con tàu bay vào địa phận nước mình, thì ông nhìn thấy những gì? Ông ấy bảo “ở nhà” đang có bão, mây mù phủ trắng trời, nên không nhìn thấy gì cả. Dù sao thì tiếng nói của mình đã bay lên tận quỹ đạo (cười!). Đó là một điều thú vị mà không phải nhà báo nào cũng có được.
Mỗi người phải có trách nhiệm với thời đại mình đang sống
- Bây giờ nghỉ, không viết nữa thì hàng ngày ông làm gì?
- Đọc sách, xem tivi, nghe đài để bổ sung những kiến thức mà mình còn thiếu.
- Thế ông nghe đài có đều không?
- Không nghe được nhiều, nhưng nghe đều chương trình “Theo dòng thời sự” phát từ 16-17h hàng ngày, vì qua chương trình này mình biết được nhiều vấn đề của đất nước; cách làm, cách đối thoại, cách gợi ý của phóng viên, biên tập viên cũng khá, hấp dẫn. Điều đáng mừng là sự trưởng thành nhanh của đội ngũ phóng viên, biên tập viên trẻ.
- Ông có điều gì tâm sự cùng thế hệ làm báo trẻ ngày nay?
- Thời đại nào cũng có vấn đề của thời đại ấy và có những con người đáp ứng được yêu cầu của thời đại ấy. Vì vậy, mỗi người trước hết phải có trách nhiệm với chính thời đại mà mình đang sống. Cuộc đời của mỗi con người thực ra không dài, tính ra chỉ được 30-35 năm để lao động và cống hiến, do vậy để khi về già khỏi tiếc nuối thì hãy chắt chiu, dè sẻn, và đừng phung phí thời gian vào những việc vô bổ. Bởi thời gian tuy là tài sản quý giá nhưng đã một đi là không trở lại.
Khuôn mặt hồn hậu, vầng trán rộng, đặc biệt đôi mắt sáng làm toát lên cốt cách của một người làm báo cách mạng chân chính. Cả một đời làm báo, ông luôn cần mẫn, tận tụy với từng bài viết, từng sự kiện, phản ánh kịp thời hơi thở cuộc sống, đến những trăn trở suy tư, cả muôn nỗi bất cập của đời được hướng tới số đông. Về già, được vui thú điền viên, quây quần bên con cháu, song thẳm sâu một vùng tâm khảm, dường như nhà báo Trần Thiên Nhiên vẫn còn những vướng vất chạnh lòng, những nuối tiếc của người chưa thể giải tỏa hết niềm đam mê dồi dào, những điều trăn trở của người đã đi tới gần cuối cuộc đời.
Tiếp lửa những niềm mơ ước cho lớp con cháu, nhà báo Trần Thiên Nhiên tâm sự: “Làm báo ngày nay, có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng nên nhớ rằng điện thoại di động, máy tính xách tay là những công cụ rất cần thiết đối với người làm báo trong thời đại công nghệ thông tin, nhưng tự thân nó không làm nên một nhà báo giỏi. Chỉ có đi sâu, đi sát thực tế, lao động nghiêm túc, học hỏi không ngừng, luôn luôn tích lũy mới trở thành một nhà báo thực sự”.
Chia tay ông, song những lời nói của lớp người đi trước dành cho thế hệ đồng nghiệp trẻ chúng tôi vẫn còn vang vọng trong tâm trí./.