Đã có duyên với nghiệp bút nghiên thì nhà báo viết văn cũng là chuyện bình thường, bởi thế biết bao nhiêu nhà báo đã tích luỹ vốn sống, vốn chữ nghĩa để trong nghiệp viết của mình có thể cho ra đời một vài cuốn sách. Nữ nhà báo Thanh Trà cũng nằm trong số đó.
Chị quê ở làng Mỹ Lâm, xã Quảng Đại, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hoá. Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, Thanh Trà về với nghiệp báo phát thanh Đài tiếng Nói Việt Nam từ năm 1970 đến lúc nghỉ hưu năm 2004. Con người chị có sự hoà quyện chất mơ mộng của vùng đất xứ Thanh và sự tần tảo, thuỷ chung của thế hệ phụ nữ thời chống Mỹ. Những tố chất ấy thể hiện rất rõ trong văn của chị. Ở cuốn “Mắt lạnh” - tập thơ văn chọn lọc do NXB Hội nhà văn ấn hành, chị đã gửi gắm những tình cảm đằm thắm và nhãn quan chính trực của người làm báo vào những tác phẩm bút ký, truyện ký, câu chuyện truyền thanh, truyện ngắn và thơ.
Ở phần I - văn xuôi, trong những truyện ngắn, kịch, chị đã tạo dựng những cốt chuyện có những tình huống kịch tính và những nhân vật đầy cá tính. Song chốt lại, họ hầu như thể hiện hình ảnh những con người đấu tranh với hoàn cảnh, chiến đấu với chính bản thân mình, những mong góp phần xây dựng và bảo vệ cuộc sống mới. Vàng A Vấu trong bút ký “ Nếu không lên được Cun Peo”, để cai nghiện ma tuý, A Vấu tự trói mình vào gốc cây trong chòi lá ở tận vùng rừng sâu Cun Peo, cách nhà hơn nửa ngày đường. Những lúc lên cơn nghiện, A Vấu tự chống trả quyết liệt. Nếu như không có người vợ hiền thục bên cạnh chăm sóc chu đáo, vừa là chỗ dựa tinh thần thì A Vấu không thể cai được sau hàng chục năm nghiện thuốc phiện.
Cũng trong những tác phẩm văn xuôi, Thanh Trà còn xây dựng nhiều nhân vật là những con người bình dị mà đậm chất nhân văn. Một ông lão tật nguyền trong kịch bản “Người khuyết tật hoàn hảo”, một Mạnh - anh bộ đội cụ Hồ vừa lăn lộn với bà con Tây Nguyên chiến đấu ngoan cường bảo vệ Tổ quốc vừa giúp đồng bào dân tộc thiểu số đoạn tuyệt với những hủ tục, cứu lấy sinh mạng con người, giữ gìn hạnh phúc gia đình trong kịch truyền thanh “Cuộc gặp gỡ bất ngờ” đã gây cảm kích cho người đọc.
Trong truyện ngắn “ Mắt lạnh”, Thanh Trà đã phát hiện ra rằng: trẻ thơ quen được bao bọc, che chở, sưởi ấm bởi ánh mắt nồng ấm, bao dung của người lớn mà rất sợ hãi trước cái nhìn vô cảm của đôi mắt lạnh.
Trong phần II - Thơ, Thanh Trà chịu ảnh hưởng sâu sắc hoàn cảnh đất nước Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trong đó cá nhân chị - nữ nhà báo gầy nhỏ cũng một mình gánh vác gia đình với hai đứa con nhỏ để chồng ra mặt trận làm phóng viên chiến trường Trị Thiên- Huế. Dù cứng cỏi đến mấy cũng có lúc chị phải thốt lên:
Dù nghề báo vất vả, dù lúc son trẻ chồng luôn đi xa, cũng như nhiều người phụ nữ khác, chị vẫn đảm nhận chọn vẹn chức năng người mẹ: chăm sóc, dậy dỗ con nên người dù có phải hy sinh nhiều thứ. Chị giáo dục con phải:
Có phải chị dạy con cũng đúng như phẩm cách, tố chất mà người làm báo thường mang, đó là “Giữa đường gặp chuyện bất bình chẳng tha”. Và cũng phải chăng mang tố chất này mà người phụ nữ yêu chồng, thương con thắm thiết như chị vẫn dành ngọn lửa nhiệt huyết cho nghề:
Tất nhiên, đã nói đến thơ thì cái gì sâu đậm trữ tình vẫn dễ dàng đi vào lòng người nhất và sống bền lâu nhất. Thơ của chị chưa có nhiều bài đạt đến độ này, nhưng người ta vẫn cảm nhận một dòng mạch trong trẻo, đằm thắm giống như những bản tình ca của thế hệ đã đi qua chiến tranh./.