45 năm trước, có một người con gái đất Long An đã nở nụ cười rạng rỡ, hiên ngang trước bản tuyên án 20 năm tù khổ sai mà chính quyền Sài Gòn dành cho mình. Nụ cười đó đã trở thành một trong những biểu tượng cho cả thế hệ anh hùng của miền Nam "thành đồng Tổ quốc" trong thời chống Mỹ cứu nước. Người nở nụ cười đó chính là cô gái Võ Thị Thắng.

 

ba_vo_thi_thang_zore.jpg
Bức ảnh "Nụ cười chiến thắng" Võ Thị Thắng

Trong ký ức của nhiều người sự kiện ngày 2/8/1968 như vẫn còn nguyên vẹn. Hình ảnh cô nữ sinh Võ Thị Thắng, trường Gia Long, Sài Gòn nhỏ nhắn nhưng đầy kiêu hãnh khi nghe Tòa án quân sự mặt trận vùng 3 chiến thuật của chính quyền Sài Gòn tuyên án 20 năm tù giam đã bình tĩnh, tự tin, nở nụ cười, dõng dạc tuyên bố: “Liệu chính quyền của các ông có tồn tại đến 20 năm để bỏ tù tôi không?”.

Câu nói ngắn gọn, đanh thép cùng nụ cười rạng rỡ, hiên ngang của cô đã làm rung động lòng người, trở thành một trong những biểu tượng đẹp nhất của tinh thần lạc quan cách mạng, động viên tinh thần chiến đấu của thế hệ thanh niên yêu nước trong thời kỳ này.

Ông Hoàng Đôn Nhật Tân, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Thành đoàn thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nụ cười của cô nữ sinh Võ Thị Thắng trước tòa án của chế độ Sài Gòn đã trở thành biểu tượng của tinh thần bất khuất của tuổi trẻ Sài Gòn. Hình ảnh đó đã được công luận trong nước, quốc tế, Thành đoàn cũng như tuổi trẻ thành phố coi đó là biểu tượng để nêu cao khí phách của tuổi trẻ trước kẻ thù.

Chính từ tinh thần lạc quan, đầy tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, trong quá trình hoạt động cách mạng, dù hoạt động ở nội đô hay bị địch giam cầm, tra tấn dã man trong ngục tù, Võ Thị Thắng vẫn kiên trung nêu cao khí khách của người Đảng viên Cộng sản, dũng cảm đấu tranh với quân thù. Với bà, nhà tù là trường học lớn để rèn luyện ý chí, lòng trung kiên và bản lĩnh người chiến sĩ cách mạng.

Từng là đồng đội với bà Võ Thị Thắng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Võ Thị Tâm nhận xét: “Võ Thị Thắng rất anh hùng, trung kiên. Khi bị bắt, bị đánh đập tra tấn rất nhiều nhưng Thắng không đầu hàng, không khai báo. Trong tù, Thắng được nhiều chị em quý mến, cùng đồng tâm hiệp lực đấu tranh bằng mọi cách để chống kẻ thù”.

Không chỉ can trường trong chiến đấu, sau ngày hòa bình lập lại, đất nước được thống nhất (30/4/1975), bà Võ Thị Thắng được giao nhiều trọng trách quan trọng như: Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Cu Ba... Dù ở cương vị nào, bà luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được bạn bè, đồng nghiệp tin yêu, quý mến.

Từ nụ cười chiến thắng trước kẻ thù được lịch sử mãi mãi khắc ghi về tinh thần bất khuất của tuổi trẻ miền Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thì nay nụ cười Võ Thị Thắng vẫn tỏa sáng với bạn bè quốc tế về một Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình. Nụ cười của bà còn là niềm tự hào, là động lực để tiếp thêm sức mạnh, nhiệt huyết cho thế hệ trẻ hôm nay.

Bạn Đỗ Thúy Nga, Bí thư đoàn Trường trung cấp Du lịch và Khách sạn Saigon tourist bày tỏ: “Nụ cười chiến thắng của cô Thắng là nguồn động lực rất lớn cho lớp trẻ chúng em, không bao giờ khuất phục trước những khó khăn. Đối với thế hệ thanh niên, những người chủ tương lai của đất nước, của ngành du lịch, nụ cười đó còn nguồn cổ vũ mạnh mẽ để chúng em phấn đấu trong học tập và trong công tác”.

Bà Võ Thị Thắng xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã tặng : “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”./.