Cứ đến mùa mùa mưa lũ, ông Võ Văn Nhám (ở thôn Giao Thủy xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) lại nơm nớp lo sợ sạt lở cuốn trôi nhà, mất đất sản xuất.

Ông Nhám cho biết, tình trạng sạt lở kéo dài nhiều năm nay và ngày càng nghiêm trọng hơn.

vov_sat_lo_1_fsiz.jpg
Mỗi mùa mưa lũ, sạt lở ăn sâu làm mất đất sản xuất của gia đình ông Võ Văn Nhám.

Trước đây, vườn nhà ông ở cách bờ sông Thu Bồn chừng 100m nhưng giờ nước sông đã ăn sâu vào gần sát nhà. Sạt lở cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất của gia đình ông.

Ông Võ Văn Nhám than thở, gia đình muốn chuyển đến nơi khác nhưng không có điều kiện.

“Sạt lở trôi đất hết rồi, dân không có đất làm. Bây giờ chỉ có bám trụ ở thôi. Mong chính quyền hỗ trợ xây bờ kè để giữ làng, giữ thôn ổn định cuộc sống. Tới lũ, nước tới đâu mình đi tới đó. Chúng tôi rất lo lắng nhưng không có khả năng di dời…”, ông Nhám trình bày.

Xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam hiện có gần 300 hộ dân đối mặt với nguy cơ sạt lở.

Theo ông Đỗ Văn Hòa, Chủ tịch UBND xã Đại An, huyện Đại Lộc, hiện nay, đoạn từ Cầu Quảng Huế đi ngược về phía Cầu Giao Thủy chưa có bờ kè, nên cứ đến mùa mưa bão, khu vực này bị xói lở, nước ăn sâu vào nhà dân, ảnh hưởng đến đời sống cũng như sản xuất của bà con.

“Đối với địa phương, mong các cơ quan, các ngành chức năng hỗ trợ xây kè các đoạn sông này để bà con yên tâm sản xuất cũng như sinh hoạt. Đồng thời, vận động nhân dân tiến hành trồng tre các khu vực ven sông cản bớt dòng nước”, ông Hòa nói.

Nước sông ăn sâu vào sát nhà ông Võ Văn Nhám.

Ông Trần Văn Mai, Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam cho biết, mùa mưa lũ năm nay, địa phương lên kế hoạch di dời đến nơi an toàn hơn 500 hộ dân ở vùng sạt lở, thấp trũng.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Đại Lộc có 11 điểm sạt lở bờ sông cần được xây dựng kè nhưng chưa có kinh phí.

UBND huyện Đại Lộc đang tiến hành khảo sát và báo cáo trình UBND tỉnh Quảng Nam xem xét đầu tư xây dựng tuyến kè chống sạt lở bờ sông Vu Gia - Thu Bồn, đảm bảo an toàn tính mạng cũng như hoạt động sản xuất của bà con.

Ông Trần Văn Mai cho biết thêm, trước mắt, địa phương huy động nhân dân trồng tre, bần ven sông, hạn chế tác động của dòng nước gây sạt lở bờ sông: “Chúng tôi đang kêu gọi các ngành Trung ương, tỉnh giúp đỡ những vùng sạt lở bờ sông, nhất là các khu dân cư. Khó khăn hiện nay là những vùng thấp trũng, sạt lở, khi đến mùa lũ, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão của huyện cũng như xã phải di dời các khu vực này đến những nơi cao ráo để tránh lũ. Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão huyện chuẩn bị 2 chiếc bo bo chuẩn bị ứng cứu khi vùng nào khó khăn”.

Tỉnh Quảng Nam hiện có gần 1.500 hộ dân với trên 5.600 nhân khẩu nằm trong vùng ngập lụt, thấp trũng, ven sông, ven biển có nguy cơ sạt lở cần di dời. Số hộ dân nằm trong diện di dời quá lớn. Các địa phương rất khó trong việc bố trí quỹ đất và kinh phí thực hiện bố trí tái định cư cho bà con./.